Quan niệm về dân chủ quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin

Thuật ngữ dân chủ ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VII – VI trước công nguyên. Các nhà tư tưởng Lạp cổ đại đã dùng cụm từ “demoskratos” để nói đến dân chủ, trong đó “demos” là nhân dân (danh từ) và “kratos” là cai trị (động từ). Theo đó, dân chủ được hiểu là nhân dân cai trị và sau này được các nhà chính trị gọi giản lược là quyền lực của nhân dân hay quyền lực thuộc về nhân dân. Nội dung trên của khái niệm dân chủ về cơ bản vẫn giữ nguyên cho đến ngày nay. Điểm khác biệt cơ bản giữa cách hiểu về dân chủ thời cổ đại và hiện nay là ở tính chất trực tiếp của mối quan hệ sở hữu quyền lực công cộng và cách hiểu về nội hàm của khái niệm nhân dân.

Từ việc nghiên cứu các chế độ dân chủ trong lịch sử và thực tiễn lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, dân chủ là sản phẩm và là thành quả của quá trình đấu tranh giai cấp cho những giá trị tiến bộ của nhân loại, là một hình thức tổ chức nhà nước của giai cấp cầm quyền, là một trong những nguyên tắc hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội.

Tựu trung lại, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin dân chủ có một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về phương diện quyền lực, dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ nhân của nhà nước. Dân chủ là quyền lợi của nhân dân – quyền dân chủ được hiểu theo nghĩa rộng. Quyền lợi căn bản nhất của nhân dân chính là quyền lực nhà nước thuộc sở hữu của nhân dân, của xã hội; bộ máy nhà nước phải vì nhân dân, vì xã hội mà phục vụ. Và do vậy, chỉ khi mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì khi đó, mới có thể đảm bảo về căn bản việc nhân dân được hưởng quyền làm chủ với tư cách một quyền lợi.

Thứ hai, trên phương diện chế độ xã hội và trong lĩnh vực chính trị, dân chủ là một hình thức hay hình thái nhà nước, là chính thể dân chủ hay chế độ dân chủ.

Thứ ba, trên phương diện tổ chức và quản lý xã hội, dân chủ là một nguyên tắc – nguyên tắc dân chủ. Nguyên tắc này kết hợp với nguyên tắc tập trung để hình thành nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và quản lý xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *