Phân biệt Quan hệ pháp luật và Quy phạm pháp luật

1. Quy phạm pháp luật

Quy phạm pháp luật là các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo những định hướng và nhằm đạt được những mục đích nhất định.

Theo lý thuyết về nguồn của pháp luật thì quy phạm pháp luật có thể tồn tại trong các tập quán, trong các án lệ hoặc các văn bản pháp luật.

Trong hệ thống pháp luật, quy phạm pháp luật là yếu tố cơ bản nhất cấu thành các chế định pháp luật. Chính vì vậy, các quy phạm pháp luật không tồn tại biệt lập mà có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.

Nội dung của các quy phạm pháp luật càng thống nhất thì càng cho thấy sự hoàn chỉnh của một hệ thống pháp luật.

Nếu yếu tố này không được đảm bảo sẽ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của pháp luật.

Để đảm bảo sự thống nhất về nội dung và phù hợp với thực tế cuộc sống, các quy phạm pháp luật có thể được sửa đổi, bổ sung nên nó chỉ mang tính ổn định tương đối mà không phải là yếu tố nhất thành bất biến.

Đặc điểm của quy phạm pháp luật

– Quy phạm pháp luật là các quy tắc xử sự chung:

+ Với tư cách là các quy tắc xử sự, quy phạm pháp luật định ra các chuẩn mực và giới hạn cho hành vi của con người.

+ Hành vi phù hợp với chuẩn mực và nằm trong giới hạn do quy phạm pháp luật định ra được gọi là hành vi hợp pháp, ngược lại là hành vi trái pháp luật.

+ Nếu hành vi trái pháp luật có đầy đủ các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật thì chủ thể thực hiện hành vi đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm pháp lý.

– Quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện:

+ Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền ban hành các quy phạm pháp luật; nếu như các quy phạm xã hội khác do nhiều chủ thể khác nhau ban hành thì quy phạm pháp luật chỉ do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện.

+ Quy phạm pháp luật là yếu tố cơ bản nhất cấu thành hệ thống pháp luật bởi vậy nó cũng chứa đựng ý chí  của Nhà nước; nếu quy phạm pháp luật không được tôn trọng thực hiện trên thực tế thì Nhà nước – bằng quyền lực của mình sẽ truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể có hành vi vi phạm.

Cấu trúc của quy phạm pháp luật: Quy phạm pháp luật được cấu thành từ ba bộ phận là giả định, quy định và chế tài.

2. Quan hệ pháp luật

Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Quan hệ pháp luật có những đặc điểm sau đây:

– Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội có ý chí: Quan hệ pháp luật có thể được thiết lập giữa các cá nhân, tổ chức với nhau hoặc giữa các cá nhân, tổ chức với Nhà nước. Trong mọi trường hợp những quan hệ pháp luật này đều chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật, mà quy phạm  pháp luật luôn thể hiện ý chí của Nhà nước.

– Quan hệ pháp luật xuất hiện trên cơ sở các quy phạm pháp luật: Chỉ khi nào quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật điều chỉnh thì mới trở thành quan hệ pháp luật. Việc xác định quan hệ xã hội nào cần được điều chỉnh phụ thuộc vào ý chí của Nhà nước, do đó mặc dù quan hệ xã hội vô cùng đa dạng, nhưng không phải tất cả chúng đều trở thành quan hệ pháp luật.

Cấu trúc của quan hệ pháp luật: Quan hệ pháp luật là quan hệ giữa các chủ thể, thông qua việc các chủ thể thực hiện  những quyền và nghĩa vụ nhất định để đạt được những mục đích nhất định. Chính vì vậy, quan hệ pháp luật được cấu thành bởi ba yếu tố chủ thể, khách thể và nội dung.

Nguồn: Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *