Vay tiền FE Credit không trả trong trường hợp nào sẽ bị xử lý hình sự?
Giữa người vay và FE Credit tồn tại mối quan hệ dân sự theo hợp đồng vay tài sản, việc người vay không thanh toán tiền tiền vay đúng hạn theo thỏa thuận cho FE Credit là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng vay tiền, khi đó sẽ làm phát sinh tranh chấp hợp đồng vay giữa người vay và FE Credit – Đây là tranh chấp dân sự đơn thuần, không có dấu hiệu hình sự.
Tuy nhiên, tranh chấp dân sự này có thể mang dấu hiệu hình sự nếu có các dấu hiệu sau đây:
1. Dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Người đi vay bị xem là có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu có các dấu hiệu sau:
– Dùng thủ đoạn gian dối như dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm bên cho vay (FE Credit) tin đó là thật và giao tiền cho người vay.
Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.
– Việc dùng thủ đoạn gian dối kể trên nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản của bên cho vay.
Nếu có các dấu hiệu kể trên, người đi vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 đã được sửa đổi năm 2017;
Hình phạt cao nhất của tội là là tù chung thân; ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2. Dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Người đi vay bị xem là có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu có các dấu hiệu sau đây:
– Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
– Sử dụng số tiền đã vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tiền.
Nếu có các dấu hiệu kể trên, người vay tiền FE Credit có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 đã được sửa đổi năm 2017.
Hình phạt cao nhất của tội là là 20 năm tù; ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.