Tuyển tập Nhận định Đúng Sai môn Luật Tố tụng hình sự và Đáp án

Sau đây là Tuyển tập các câu hỏi nhận định đúng sai môn Luật Tố tụng hình sự đã có đáp án tham khảo dành cho các bạn đang cần:

(P/s: Bạn có nhận định cần hỏi, hãy để lại bình luận ở bên dưới để nhận được hỗ trợ, giải đáp nhanh chóng từ đội ngũ admin nhé)

1. Cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

Nhận định: ĐÚNG.

Căn cứ pháp lý: Căn cứ Khoản 1 Điều 34 BLTTHS năm 2015.

2. Người tham gia tố tụng là những người cần pháp luật bảo vệ về quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điều 55 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Người chứng kiến là người chứng kiến việc thực hiện hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, không phải là người cần pháp luật bảo vệ về quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án.

3. Người bào chữa là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điểm g Khoản 1 Điều 4 và Điều 72 BLTTHS năm 2015

Hướng dẫn giải thích: Người bào chữa tham gia tố tụng là người bảo vệ quyền, lợi ích của bị can, bị cáo mà không phải là đương sự.

4. Người thân thích của bị cáo có thể được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa.

Nhận định: ĐÚNG

Căn cứ pháp lý: Khoản 4 Điều 72 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Người thân thích của bị cáo nếu không thuộc các trường hợp bị cấm làm người bào chữa thì hoàn toàn có thể trở thành người bào chữa cho bị cáo.

5. Trình bày lời khai là nghĩa vụ của bị can, bị cáo.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điểm d Khoản 2 Điều 60 và Điểm h Khoản 2 Điều 61 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Trình bày lời khai là quyền của bị can, bị cáo chứ không phải nghĩa vụ.

6. Cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan tư pháp.

Nhận định: SAI

Căn cứ pháp lý: Điều 102 Hiến pháp năm 2013 và Khoản 1 Điều 34 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Cơ quan tiến hành tố tụng gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Còn cơ quan tư pháp thì chỉ có Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát là cơ quan công tố, còn Cơ quan điều tra là cơ quan hành pháp, không phải là cơ quan tư pháp.

7. Chỉ có Công an nhân dân mới có Cơ quan điều tra.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điều 4 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Không chỉ có Công an nhân dân mới có Cơ quan điều tra, ví dụ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,…

8. Người bào chữa có quyền đề nghị thay đổi Điều tra viên, người giám định, người phiên dịch.

Nhận định: ĐÚNG.

Căn cứ pháp lý: Điểm e Khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015.

9. Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi án hình sự.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: 

Hướng dẫn giải thích: Không điều chỉnh quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án mà chỉ điều chỉnh quan hệ phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (liên quan đến thi hành án hình sự sẽ do Luật thi hành án hình sự điều chỉnh).

10. Người bào chữa có thể là người thân thích của bị can, bị cáo

Nhận định: ĐÚNG.

Căn cứ pháp lý: Điểm a Khoản 4 Điều 72 BLTTHS 2015.

Hướng dẫn giải thích: Nếu người bào chữa không phải là người thân thích của người tiến hành tố tụng thì vẫn được đăng ký là người bào chữa cho bị can, bị cáo.

11. Tất cả các Cơ quan tiến hành tố tụng đều có quyền khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điều 34, Điều 154, Điều 179 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Tòa án không có thẩm quyền quyết định khởi tố bị can.

12. Người chưa thành niên không được làm chứng.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điều 66 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Không có quy định người chưa thành niên không được làm chứng, chỉ những người sau đây mới không được làm chứng:

– Người bào chữa của người bị buộc tội;

– Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

13. Tất cả các trường hợp bắt người đều phải có lệnh.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điều 111 và Điều 112 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Đối với trường hợp bắt người phạm tội quả tang và bắt người đang bị truy nã thì được bắt ngay, không cần phải đợi có lệnh.

14. Chỉ có lực lượng công an, cảnh sát mới được phép bắt người phạm tội.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điều 111 và Điều 112 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Bất kỳ ai cũng được bắt người phạm tội quả tang và bắt người đang bị truy nã.

15. Biện pháp tạm giam được áp dụng đối với mọi loại tội phạm.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điều 119 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Đối với tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng thì chỉ áp dụng có điều kiện.

16. Viện kiểm sát không có quyền ra quyết định khởi tố bị can.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điều 179 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi phạm tội mà chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát có quyền trực tiếp ra quyết định khởi tố bị can nếu trước đó đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố bị can nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện.

17. Việc ủy thác điều tra chỉ được tiến hành giữa các Cơ quan điều tra với nhau.

Nhận định: ĐÚNG.

Căn cứ pháp lý: Điều 171 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Theo Điều 171 thì trong trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra ủy thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra.

18. Lệnh khám xét theo thủ tục tố tụng hình sự bắt buộc phải được Viện kiểm sát phê chuẩn trước khi thi hành.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điều 193 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Chỉ lệnh khám xét của những người được được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Khoản 2 Điều 35 BLTTHS năm 2015) và những người được quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 113 BLTTHS năm 2015 mới phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.

19. Phúc thẩm là thủ tục đương nhiên đối với việc giải quyết vụ án hình sự

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điều 330 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Chỉ được tiến hành khi bản án, quyết định sơ thẩm của vụ án chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

20. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điều 50 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Danh sách người có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự không bao gồm người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

21. Người làm chứng bắt buộc phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điểm a Khoản 4 Điều 66 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Có thể vắng mặt nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan và  việc vắng mặt của họ không gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

22. Người bào chữa cho bị can, bị cáo không bắt buộc phải là luật sư.

Nhận định: ĐÚNG.

Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 72 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Ngoài luật sư còn có người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

23. Một người bị buộc tội chỉ được có một người bào chữa.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Khoản 5 Điều 72 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội.

24. Chỉ có Cơ quan điều tra mới có quyền cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 121 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Viện kiểm sát, Tòa án cũng có quyền cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh.

25. Phong tỏa tài sản là một trong các biện pháp ngăn chặn nhằm ngăn chặn bị can, bị cáo tẩu tán tài sản.

Nhận định: SAI.

Căn cứ pháp lý: Điều 109 và Điều 129 BLTTHS năm 2015.

Hướng dẫn giải thích: Phong tỏa tài sản là một trong các biện pháp cưỡng chế, không phải biện pháp ngăn chặn.

Nguồn: Tổng hợp và Tự làm thêm.

One thought on “Tuyển tập Nhận định Đúng Sai môn Luật Tố tụng hình sự và Đáp án

  • 17/06/2021 at 8:21 chiều
    Permalink

    TAND tỉnh có quyền xét xử sơ thẩm các vụ án mà tội phạm được thực hiện là tội phạm nghiêm trọng.đúng hay sai

    Reply

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *