Tuyển tập Nhận định đúng sai môn Luật Lao động và Đáp án
Sau đây là tổng hợp các câu hỏi nhận định đúng sai môn luật lao động và đáp án tham khảo:
(P/s: Nếu bạn có nhận định nào cần giải đáp, hãy để lại bình luận ở bên dưới, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn ngay)
1. Nếu người lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 07 tháng tuổi thì doanh nghiệp không được sử dụng người đó làm thêm giờ.
Nhận định: ĐÚNG.
Căn cứ pháp lý: Điểm b Khoản 1 Điều 155 Bộ luật lao động năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Pháp luật quy định người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ ==> không được sử dụng lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 07 tháng tuổi làm thêm giờ.
2. Hội đồng trọng tài lao động không có thẩm quyền hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điểm b Khoản 2 Điều 159 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Tranh chấp lao động tập thể về quyền tại các đơn vị sử dụng lao động không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định.
3. Đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới ba tháng thì không bắt buộc phải giao kết bằng hình thức văn bản.
Nhận định: ĐÚNG.
Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 16 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Có thể giao kết bằng lời nói.
4. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên trong đơn vị từ đủ 12 tháng trở lên.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 38, Điều 41, Điều 42 BLLĐ 2012.
Hướng dẫn giải thích:
5. Hợp đồng lao động phải do chính người lao động giao kết và thực hiện.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 18 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản.
6. Người lao động bị áp dụng trách nhiệm vật chất phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã xảy ra.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 130 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương chứ không phải toàn bộ thiệt hại.
7. Người lao động làm việc cho người sử dụng lao động đủ 12 tháng thì mới được nghỉ hằng năm..
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 114 BLLD năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.
8. Mọi doanh nghiệp trong ngành đều phải tuân theo thỏa ước lao động tập thể ngành.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 88 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Doanh nghiệp chưa tham gia thoả ước lao động tập thể ngành không bắt buộc tuân theo thỏa ước lao động tập thể ngành.
9. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi người lao động đồng ý.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 107 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây: Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.
10. Khi thương lượng tập thể để giải quyết tranh chấp lao động tập thể, bắt buộc phải có hòa giải viên lao động tham gia.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Từ Điều 66 đến Điều 72 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Không bắt buộc
11. Khi xây dựng thang lương, bảng lương, người sử dụng lao động phải tổ chức thương lượng tập thể với đại diện tập thể người lao động tại Công ty.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 93 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Tham khảo ý kiến chứ không thương lượng.
12. Nếu công ty nhận người vào đào tạo để sau đó làm việc tại Công ty thì không được thu học phí.
Nhận định: ĐÚNG.
Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 61 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.
13. Người sử dụng lao động không được áp dụng hình thức khiển trách, đồng thời trừ tiền thưởng của người lao động khi xử lý kỷ luật đối với người đó.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 123, Điều 125 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Trừ tiền thưởng không phải là một hình thức xử lý kỷ luật lao động.
14. Hợp đồng lao động được ký kết với người lao động là công dân nước ngoài khi người đó chưa có giấy phép lao động (trừ trường hợp quy định tại Điều 172 Bộ Luật lao động năm 2012) thì sẽ bị tuyên bố vô hiệu theo pháp luật lao động.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 50 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Không thuộc trường hợp bị tuyên vô hiệu theo pháp luật lao động.
15. Quan hệ giữa người cai thầu và người lao động là quan hệ phát sinh trên cơ sở hợp đồng lao động.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 99 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Chỉ là bên trung gian, không phải là người sử dụng lao động.
16. Khi người lao động đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ thì quan hệ lao động đương nhiên chấm dứt.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Khoản 4 Điều 36 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu.
17. Người sử dụng lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động trong vòng 30 ngày sau khi hợp đồng hết hạn.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 22 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Khi hợp đồng lao động hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới.
18. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải sẽ không phải hoàn trả khoản chi phí đào tạo cho doanh nghiệp (nếu có).
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 62 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng đào tạo.
19. Luật Lao động không điều chỉnh quan hệ giữa tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở và người sử dụng lao động.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 1 BLLĐ 2012.
Hướng dẫn giải thích:
20. Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có quyền tham gia vào mọi quan hệ lao động cá nhân được xác lập và thực hiện tại Việt Nam.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 165 BLLĐ năm 2015.
Hướng dẫn giải thích: Dẫn chứng các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên.
21. Trong một ngày, người lao động chỉ được làm việc tối đa là 10 tiếng.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điểm b Khoản 2 Điều 106 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Nếu có làm thêm giờ thì được làm tối đa 12 giờ/ngày.
22. Hội đồng trọng tài lao động chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Nhận định: ĐÚNG.
Căn cứ pháp lý: Điều 203 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Hội đồng trọng tài lao động chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền.
23. Quan hệ giữa nhân viên và trưởng phòng tại một doanh nghiệp là quan hệ lao động cá nhân do luật lao động điều chỉnh.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 1, Khoản 6 Điều 3 BLLĐ 2012
Hướng dẫn giải thích: Quan hệ đồng nghiệp.
24. Người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc thì phải giao kết hợp đồng lao động.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 16, Điều 169, Điều 170 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Pháp luật lao động Việt Nam không đặt ra yêu cầu bắt buộc người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giao kết hợp đồng lao động. Vì vậy, cũng giống như người lao động Việt Nam, nếu người lao động nước ngoài cũng làm những công việc thời có thời hạn dưới 3 tháng thì chỉ cần thỏa thuận bằng lời nói.
25. Người lao động đi làm vào ngày lễ thì được trả ít nhất 400% lương.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 97 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Quy định này chỉ áp dụng đối với người lao động hưởng lương ngày.
26. Thời gian làm việc của người lao động vượt quá 8 giờ/ngày được tính là thời gian làm thêm.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 106 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Được người sử lao động sử dụng làm thêm giờ theo quy định thì mới tính là thời gian làm thêm, còn NLĐ tự làm thêm giờ để hoàn thành công việc thì không tính.
27. Khi việc sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả và người lao động hoàn thành tốt công việc được giao thì người sử dụng lao động bắt buộc phải thưởng cho người lao động.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Điều 103 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Không bắt buộc.
28. Luật Lao động chỉ điều chỉnh các quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 3 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Ngoài doanh nghiệp, còn có tại cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
29. Người lao động vào làm việc sau khi thỏa ước đã được ký kết thì không phải tuân theo thỏa ước.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 84 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Vào sau vẫn có trách nhiệm thực hiện đầy đủ thoả ước lao động tập thể.
30. Các bên chỉ có thể giao kết tối đa hai lần hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn 12 tháng.
Nhận định: SAI.
Căn cứ pháp lý: Khoản 3 Điều 22 BLLĐ năm 2012.
Hướng dẫn giải thích: Trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác thì được.