Tuyển sinh lớp 10 năm 2021 tại TP.HCM: Những thông tin quan trọng

Hiện nay, UBND TPHCM vẫn chưa có Quyết định về Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm 2021.

Tuy nhiên, các bạn có thể tham khảo các nội dung quan trọng liên quan đến tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM trong năm 2020 và chuẩn bị những việc cơ bản nhất để không bị bỡ ngỡ khi có kế hoạch cụ thể (Vì cơ bản nó sẽ không khác nhau nhiều đâu; khi nào UBND TPHCM có kế hoạch cụ thể, chúng tôi sẽ cập nhật ngay):

I. Trường hợp tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông:

1. Đối tượng và phương thức tuyển sinh:

– Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi quy định đều được tham gia dự tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập.

– Phương thức tuyển sinh: thi tuyển.

Học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập (trừ Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia). Không được thay đổi nguyện vọng sau khi trúng tuyển.

2. Tuyển thẳng vào lớp 10 trung học phổ thông:

– Học sinh khuyết tật.

– Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo cử tham dự hoặc phối hợp cử dự thi.

– Học sinh thuộc đối tượng tuyển thẳng làm đơn đăng ký xét tuyển thẳng với 3 nguyện vọng vào các trường trung học phổ thông gần nơi cư trú trên địa bàn thành phố phù hợp điều kiện học tập (ngoại trừ các trường trung học phổ thông chuyên, trường trung học phổ thông có lớp chuyên, các trường tiên tiến hội nhập).

Hồ sơ xét tuyển gồm: đơn xét tuyển thẳng và giấy chứng nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy chứng nhận đạt giải cấp quốc gia và quốc tế hợp lệ do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp hoặc được Ủy ban nhân dân thành phố tặng Bằng khen (đối với các cuộc thi quốc tế).

– Lưu ý: Các hồ sơ tuyển thẳng phải được nộp đúng thời gian quy định.

3. Chế độ ưu tiên:

Lưu ý: Các hồ sơ thuộc chế độ ưu tiên phải được nộp đúng thời gian quy định.

a) Cộng 2 điểm cho một trong các đối tượng:

– Con liệt sĩ;

– Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên;

– Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”.

b) Cộng 1,5 điểm cho một trong các đối tượng:

– Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động.

– Con thương binh mất sức lao động dưới 81%;

– Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”.

c) Cộng 1 điểm cho một trong các đối tượng:

– Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số;

– Người dân tộc thiểu số;

4. Môn thi, ngày thi, thời gian làm bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm cộng thêm và điểm thi tuyển:

a) Môn thi:

Thi viết ba môn: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ.

b) Thời gian thi: ngày 16, 17 tháng 7 năm 2020.

c) Thời gian làm bài thi:

– Môn Ngữ văn, môn Toán: 120 phút/môn thi.

– Môn Ngoại ngữ: 60 phút.

d) Điểm bài thi, hệ số điểm bài thi:

– Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.

– Hệ số điểm bài thi:

+ Môn Toán, môn Ngữ văn: hệ số 2.

+ Môn Ngoại ngữ: hệ số 1.

đ) Điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên tối đa không quá 3 điểm.

e) Điểm thi tuyển là tổng điểm ba bài thi đã tính theo hệ số và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích. Thí sinh trúng tuyển phải dự thi đủ ba bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0 (không).

Ở một trường, điểm chuẩn nguyện vọng 2 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 và điểm chuẩn nguyện vọng 3 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 2 không quá 1 điểm.

5. Đề thi:

a) Nội dung đề thi trong phạm vi chương trình trung học cơ sở do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chủ yếu ở lớp 9. Đề thi phải đảm bảo chính xác, rõ ràng, không sai sót, phân hóa được trình độ học sinh, phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi.

b) Mỗi môn có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu nội dung, thời gian làm bài. Mỗi đề thi phải có hướng dẫn chấm và biểu điểm kèm theo.

c) Đề thi và hướng dẫn chấm thi khi chưa được công bố là bí mật Nhà nước độ “Tối mật” theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

II. Trường hợp tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông của các trường, lớp chuyên:

1. Đối tượng và phương thức tuyển sinh:

– Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi quy định và có thêm các điều kiện sau:

+ Xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp 6, 7, 8 từ Khá trở lên.

+ Tốt nghiệp trung học cơ sở loại Giỏi.

– Phương thức tuyển sinh: thi tuyển.

2. Môn thi, ngày thi, thời gian làm bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm xét tuyển, nguyên tắc xét tuyển và cách xét tuyển:

a) Môn thi: Thi viết bốn môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và môn chuyên.

b) Thời gian thi: ngày 16, 17 tháng 7 năm 2020.

c) Thời gian làm bài thi:

– Các bài thi không chuyên: Môn Ngữ văn và môn Toán là 120 phút; môn Ngoại ngữ là 60 phút.

– Các bài thi chuyên: mỗi môn là 150 phút.

d) Điểm bài thi, hệ số điểm bài thi:

– Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.

– Hệ số điểm bài thi:

+ Điểm các bài thi không chuyên: hệ số 1.

+ Điểm bài thi môn chuyên: hệ số 2.

đ) Điểm xét tuyển, nguyên tắc xét tuyển và cách xét tuyển:

– Điểm xét tuyển:

+ Điểm xét tuyển vào lớp chuyên là tổng điểm gồm: điểm Ngữ văn + điểm Ngoại ngữ + điểm Toán + (điểm môn chuyên x 2).

+ Điểm xét tuyển vào lớp không chuyên là tổng điểm gồm: điểm Ngữ văn + điểm Ngoại ngữ + điểm Toán.

– Nguyên tắc xét tuyển:

Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế trong kỳ thi tuyển sinh và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2.

– Cách xét tuyển:

+ Xét tuyển vào lớp chuyên: Căn cứ quy định điểm xét tuyển vào lớp chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao cho từng môn chuyên.

+ Xét tuyển vào lớp không chuyên: Căn cứ quy định điểm xét tuyển vào lớp không chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu các lớp không chuyên.

e) Lưu ý:

– Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong được nhận học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở ở các tỉnh khác dự thi nếu có đủ điều kiện theo quy định của kỳ thi.

– Học sinh đăng ký 4 nguyện vọng ưu tiên:

+ Nguyện vọng ưu tiên 1, 2 vào lớp chuyên.

+ Nguyện vọng ưu tiên 3, 4 vào lớp không chuyên tại 2 Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa.

– Nếu không trúng tuyển vào các trường, lớp chuyên, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn được tham gia dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông khác theo ba nguyện vọng đã đăng ký thi tuyển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *