Tổng hợp câu hỏi và đáp án môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật mới nhất

Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật là một trong những môn học nhập môn nhưng cực kỳ quan trọng trên chặng đường học Luật của sinh viên Luật.

Sau đây mình tổng hợp bộ câu hỏi môn học này đồng thời là các nội dung gợi ý trả lời cho từng câu hỏi nhằm giúp các bạn có thể dễ dàng hệ thống  lại các kiến thức đã học:

Câu 1. Hãy trình bày khái niệm của Hình thức Nhà nước và các yếu tố hình thành nên Hình thức Nhà nước?

Gợi ý trả lời: Hình thức Nhà nước là các tổ chức quyền lực nhà nước và những phương pháp để thực hiện quyền lực nhà nước, được hình thành từ ba yếu tố sau:

– Hình thức chính thể: Là cách thức tổ chức và trình tự để lập ra các cơ quan tối cao của nhà nước và xác lập mối quan hệ cơ bản của các cơ quan đó, gồm có:

+ Chính thể quân chủ, gồm:

  • Chính thể quân chủ tuyệt đối.
  • Chính thể quân chủ hạn chế (lập hiến).

+ Chính thể cộng hoà, gồm: 

  • Chính thể cộng hòa quý tộc.
  • Chính thể cộng hòa dân chủ, gồm: Cộng hòa dân chủ tư sản và Cộng hoà dân chủ nhân dân.

– Hình thức cấu trúc: Là cấu tạo nhà nước thành các đơn vị hành chính lãnh thổ và xác lập mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cấp trung ương và địa phương.

Có 2 hình thức cấu trúc nhà nước chủ yếu là:

+ Hình thức Nhà nước đơn nhất.

+ Hình thức Nhà nước liên bang.

– Chế độ chính trị: Là toàn bộ các phương pháp, cách thức, phương tiện mà các cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước.

Câu 2. Hãy trình bày các hình thức Nhà nước tồn tại trong các kiểu nhà nước?

– Hình thức Nhà nước trong kiểu nhà nước Chủ nô:

+ Hình thức chính thể bao gồm:

  • Chính thể cộng hòa: Có Cộng hòa dân chủ chủ nô và Cộng hòa quý tộc chủ nô.
  • Chính thể quân chủ chuyên chế.

+ Hình thức cấu trúc: Cơ bản là cấu trúc đơn nhất.

+ Chế độ chính trị: Phổ biến là chế độ độc tài chuyên chế.

– Hình thức nhà nước trong kiểu nhà nước Phong kiến:

+ Hình thức chính thể gồm: Chính thể quân chủ và Chính thể cộng hòa.

+ Hình thức cấu trúc: Cấu trúc liên bang rất ít, đa phần vẫn là cấu trúc đơn nhất.

+ Chế độ chính trị: Mang nặng tính độc tài, chuyên chế.

– Hình thức nhà nước Tư sản:

+ Hình thức chính thể gồm:

  • Cộng hòa dân chủ tư sản: Có cộng hòa tổng thống, Cộng hòa đại nghị và cộng hòa hỗn hợp.
  • Quân chủ chuyên chế tư sản: Có quân chủ đại nghị và quân chủ nhị nguyên.

+ Hình thức cấu trúc: Có cấu trúc đơn nhất và cấu trúc liên bang.

+ Chế độ chính trị: Có chế độ quân phiệt và chế độ dân chủ tư sản.

– Hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa:

+ Hình thức chính thể: Tất cả các nước XHCN đều tổ chức theo chính thể cộng hòa dân chủ nhưng được thể hiện dưới những dạng khác nhau.

+ Hình thức cấu trúc: Cso cấu trúc đơn nhất và cấu trúc liên bang, chính quyền được tổ chức theo đơn vị hành chính – lãnh thổ.

+ Chế độ chính trị: Các nước XHCN đều thực hiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Câu 3. Trình bày khái niệm hình thức pháp luật và các dạng hình thức pháp luật?

– Hình thức pháp luật là những biểu hiện bên ngoài của pháp luật, là cách thức mà giai cấp thống trị dùng để thể hiện ý chỉ của giai cấp mình và xã hội, là phương thức tông tại, dạng tồn tại thực tế của pháp luật.

– Hình thức pháp luật có 2 dạng là:

+ Hình thức bên trong của pháp luật bao gồm các nguyên tắc chung của pháp luật, hệ thống pháp luật, ngành luật, chế định luật và quy phạm pháp luật.

+ Hình thức bên ngoài của pháp luật là sự biểu hiện ra bên ngoài của pháp luật.

Câu 4: Trình bày các hình thức pháp luật trên thế giới?

– Nếu khái niệm hình thức pháp luật (như trên).

– Các hình thức pháp luật trên thế giới bao gồm:

+ Tập quán pháp: Là những tập quán lưu truyền trong đời sống xã hội, phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị, được nhà nước thừa nhận và có giá trị pháp lý, trở thành những quy tắc xử sự chung và được nhà nước bảo đảm thực hiện.

+ Tiền lệ pháp: Là hình thức nhà nước thừa nhận các quyết định của cơ quan hành chính hoặc cơ quan xét xử trong khi giải quyết những vụ việc cụ thể để áp dụng đối với các việc tương tự.

+ Văn bản quy phạm pháp luật: Là văn bản có chứa các quy phạm pháp luật được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định.

Câu 5. Trình bày khái niệm kiểu nhà nước và các kiểu nhà nước trong lịch sử phát triển của nhân loại?

– Kiểu nhà nước là tổng thể những đặc điểm cơ bản của nà nước, thể hiện bản chất giai cấp, vai trò xã hội, những điều kiện phát sinh, tồn tại và phát triển của nhà nước trong một hình thái kinh tế – xã hội có giai cấp nhất định.

– Các kiểu nhà nước trong lịch sử:

+ Nhà nước chủ nô: Là kiểu nhà nước đầu tiên trong lịch sử, hình thành trên cơ sở phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ mà đặc trung là sự thống trị tuyệt đối, toàn diện của thiểu số chủ nô với đa số nô lệ.

+ Nhà nước phong kiến: Gắn liền với phương thức sản xuất phong kiến; quan hệ sản xuất phản ánh chế độ sở hữu ruộng đất của tầng lớp địa chủ, quý tộc;

Nông nô tuy không còn bị xem là công cụ như thời kỳ nô lệ nhưng vẫn bị trói chặt vào ruộng đất của địa chủ và chịu nhiều lao dịch.

+ Nhà nước tư sản: Là kiểu nhà nước phát triển cao, rất phức tạp cả về nội dung lẫn hình thức tồn tại, có lịch sử ra đời rất tiến bộ. 

+ Nhà nước xã hội chủ nghĩa: Là kiểu nhà nước hình thành sau thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc, dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.

Câu 6. Trình bày khái niệm Kiểu pháp luật và các kiểu pháp luật trong lịch sử?

– Kiểu pháp luật là tổng thể những dấu hiệu cơ bản, đặc thù của pháp luật, thể hiện bản chất giai cấp, những điều kiện tồn tại và phát triển của pháp luật trong một hình thái kinh tế – xã hội nhất định.

– Các kiểu Pháp luật trong lịch sử:

+ Pháp luật chủ nô: Là kiểu pháp luật đầu tiên trong lịch sử, là công cụ để giai cấp chủ nô quản lý xã hội trong điều kiện mới, sau khi thị tộc, bộ lạc tan rã.

+ Pháp luật phong kiến: Là kiểu pháp luật ra đời thay thế cho kiểu pháp luật chủ nô.

+ Pháp luật tư sản: Là kiểu pháp luật thứ 3 trong lịch sử, thay thế kiểu pháp luật phong kiến; đã phát triển hơn nhiều cả về nội dung lẫn hình thức; phản ánh sự thay đổi toàn diện của xã hội về cả đời sống vật chất và tinh thần.

+ Pháp luật xã hội chủ nghĩa: Là hệ thống quy tắc xử sự, thể hiện ý chí của giai cấp cong nhân và nông dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, do nhà nước XHCN ban hành và bảo đảm thực hiện.

13 thoughts on “Tổng hợp câu hỏi và đáp án môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật mới nhất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *