Tốc độ tối đa cho phép khi lái xe tham gia giao thông năm 2021

Trước khi vào nội dung chính của bài viết là tốc độ tối đa cho phép khi lái xe năm 2021 thì mọi người cần nắm được các khái niệm sau đây:

– Đường bộ trong khu đông dân cư là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố, nội thị xã, nội thị trấn (gọi chung là nội đô thị) và những đoạn đường có đông dân cư sinh sống sát dọc theo đường, có các hoạt động ảnh hưởng đến an toàn giao thông; được xác định bằng biển báo hiệu là đường khu đông dân cư.

– Xe cơ giới gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

– Ô tô chuyên dùng là ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng công dụng đặc biệt, bao gồm: ô tô quét đường, ô tô tưới nước; ô tô hút chất thải, ô tô ép rác; ô tô trộn vữa; ô tô trộn bê tông; ô tô bơm bê tông; ô tô cần cẩu; ô tô thang; ô tô khoan; ô tô cứu hộ giao thông; ô tô truyền hình lưu động, ô tô đo sóng truyền hình lưu động; ô tô kiểm tra và bảo dưỡng cầu, ô tô kiểm tra cáp điện ngầm, ô tô chụp X-quang, ô tô phẫu thuật lưu động và các loại ô tô tương tự.

– Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.

– Dải phân cách giữa là bộ phận của đường mà xe không chạy trên đó, được dùng để phân chia mặt đường thành hai phần xe chạy ngược chiều riêng biệt (các dạng chủ yếu: bó vỉa, dải phân cách kết cấu bê tông, dải phân cách kết cấu thép, hộ lan tôn sóng hoặc dải đất dự trữ).

– Đường đôi là đường có chiều đi và chiều về được phân biệt bằng dải phân cách giữa (trường hợp phân biệt bằng vạch sơn thì không phải đường đôi).

– Đường một chiều là đường chỉ cho đi một chiều.

– Đường hai chiều là đường có cả hai chiều đi và chiều về trên cùng một phần đường xe chạy, không được phân biệt bằng dải phân cách giữa.

– Trọng tải là khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở, được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Tốc độ tối đa cho phép khi lái xe năm 2021

Khi tham gia giao thông trên đường bộ, người điều khiển phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ tối đa cho phép đối với loại phương tiện mà mình đang điều khiển, cụ thể:

(1) Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc)

Tốc độ tối đa cho phép đối với các phương tiện xe cơ giới (trừ xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ) như sau:

– Đối với đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: 60 km/h.

– Đối với đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới: 50 km/h.

(2) Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc):

**Đối với xe  ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn:

– Tốc độ tối đa cho phép khi chạy trên đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: 90 km/h.

– Tốc độ tối đa cho phép khi chạy trên đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới: 80 km/h.

**Đối với xe ô tô chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn (trừ ô tô xi téc):

– Tốc độ tối đa cho phép khi chạy trên đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: 80 km/h.

– Tốc độ tối đa cho phép khi chạy trên đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới: 70 km/h.

**Đối với ôtô buýt; ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; xe mô tô; ô tô chuyên dùng (trừ ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông):

– Tốc độ tối đa cho phép khi chạy trên đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: 70 km/h.

– Tốc độ tối đa cho phép khi chạy trên đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới: 60 km/h.

**Đối với ôtô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông, ô tô xi téc: 

– Tốc độ tối đa cho phép khi chạy trên đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: 60 km/h.

– Tốc độ tối đa cho phép khi chạy trên đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới: 50 km/h.

(3) Tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc) không quá 40 km/h.

(4) Tốc độ của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h.

Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ mặt đường trên các làn xe.

Khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường

Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.

Trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau:

– Trường hợp tốc độ lưu hành V = 60 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m.

– Trường hợp tốc độ lưu hành 60 < V ≤ 80 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m.

– Trường hợp tốc độ lưu hành 80 < V ≤ 100 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m.

– Trường hợp tốc độ lưu hành 100 < V ≤ 120 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m.

Khi điều khiển xe chạy với tốc độ dưới 60 km/h, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông.

Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định ở trên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *