Thẩm phán là ai? Con đường trở thành Thẩm phán tại Việt Nam?

I. Thẩm phán là ai?

Thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật này được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử.

Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thẩm phán cao cấp; Thẩm phán trung cấp; Thẩm phán sơ cấp.

Tòa án nhân dân tối cao có Thẩm phán có Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương có Thẩm phán Thẩm phán cao cấp.

Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương có Thẩm phán cao cấp, trung cấp và sơ cấp.

Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án quân sự khu vực có Thẩm phán trung cấp và sơ cấp.

Số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp và tỷ lệ các ngạch Thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

II. Con đường trở thành Thẩm phán tại Việt Nam

1. Tốt nghiệp Cử nhân luật trở lên

– Hiện nay có nhiều trường đào tạo về luật như: Đại học Luật Hà Nội; Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại Học Kinh tế Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Sài Gòn; Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh; Học Viện Tòa Án; Trường Đại học Luật – Đại học Huế; Đại học Vinh;…

– Thời gian đào tạo chính quy: Thường sẽ kéo dài 04 năm.

2. Thi công chức vào Thư ký Tòa án

– Đăng ký dự thi khi địa phương có thông báo tuyển dụng Công chức Tòa án.

– Thi đậu vào kỳ thi tuyển công chức vào ngành Tòa án để được bổ nhiệm chức danh Thư ký Tòa án.

(Luật không nêu rõ để được bổ nhiệm Thẩm phán, cá nhân phải đang là Thư ký Tòa án. Tuy nhiên, theo ghi nhận đa số trường hợp được bổ nhiệm Thẩm phán hiện nay đều là những người đang giữ các ngạch Thư ký Tòa án – điều này theo mình là để được xem là đáp ứng điều kiện “Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật”)

3. Hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử

– Sau khi bạn phấn đấu, học tập và công tác tại Tòa án, cá nhân sẽ được cử đi học khóa học đào tạo nghiệp vụ xét xử này (thời gian đào tạo là 01 năm).

– Việc cử đi học thực hiện theo quy định tại Quyết định 636/QĐ-TANDTC ngày 15/4/2018 về quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân do Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

Thư ký Tòa án được cử đi học đào tạo nghiệp vụ xét xử khi đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 04 năm trở lên.
  • Có trình độ cử nhân Luật hệ chính quy (đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện biên giới, hải đảo thì Thủ trưởng đơn vị căn cứ điều kiện cụ thể báo cáo Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định).
  • Thời gian công tác còn lại ít nhất 7 năm tính từ ngày được cử đi học.
  • Có ít nhất 3 năm liền kề năm được cử đi học hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác.
  • Đảm bảo các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn và là nguồn để dự thi tuyển chọn Thẩm phán.

4. Thi đậu kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 68 của Luật TAND năm 2014 thì để được bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện khác (thường thì nếu đã là Thư ký Tòa án và đã được cử đi học lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử thì cá nhân đã đap ứng) thì một trong các điều kiện quan nhất là cá nhân phải “trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp”.

Do đó, cá nhân phải tha gia dự thi và thi đậu kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp.

5. Được bổ nhiệm Thẩm phán

– Cá nhân sau khi thi đậu kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp sẽ được cấp có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp trình Chủ tịch nước bổ nhiệm theo quy định.

– Cá nhân chính thức trở thành Thẩm phán sau khi được Chủ tịch nước có quyết định bổ nhiệm theo quy định.

Nhìn chung, xét về mặt thời gian, để trở thành Thẩm phán sơ cấp thôi thì cá nhân cũng cần phải trải qua khoảng thời gian ít nhất là 10 năm, bao gồm: Lấy được bằng cử nhân luật (thông thường 4 năm), có thời gian công tác pháp luật (5 năm) và tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử (1 năm),…

Có thể thấy rằng để trở thành Thẩm phán ở Việt Nam không hề dễ dàng và sẽ tốn rất nhiều thời gian, nhưng cũng rất hợp lý đối với một nghề có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội như vậy.

Trên đây là câu trả lời của mình cho câu hỏi “Thẩm phán là ai? Con đường trở thành Thẩm phán tại Việt Nam?”. Mọi ý kiến thắc mắc, góp ý vui lòng bình luận bên dưới để được trao đổi, hoàn thiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *