Tại sao nông sản lại là loại hàng hoá “nhạy cảm” trong thương mại?
- Lý do nông sản lại là loại hàng hoá “nhạy cảm” trong thương mại
Có rất nhiều lý do về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội khiến chính sách đối với thương mại hàng nông sản trở nên đặc biệt “bảo thủ” so với đối với các loại hàng hoá công nghiệp, trong đó lý do chủ yếu được nêu ra là:
+ Thương mại hàng nông sản đụng chạm đến lợi ích của một bộ phận dân cư vốn có thu nhập không cao ở cả các nước phát triển và các nước đang phát triển;
+ Mỗi nước đều có nhu cầu đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định trong hoàn cảnh thế giới thường xuyên có biến động về thu hoạch và các nguy cơ nạn đói rình rập
2. Quy định của hiệp định nông nghiệp về các loại sản phẩm, các nguyên tắc mở cửa thị trường, các biện pháp bảo hộ đối với hàng nông sản, trợ cấp, các ưu tiên cho các nước đang phát triển?
– Sản phẩm nông nghiệp: Trong WTO, hàng hoá được chia làm hai (02) nhóm chính: nông sản và phi nông sản. Nông sản được xác định trong Hiệp định Nông nghiệp là tất cả các sản phẩm liệt kê từ Chương I đến XXIV (trừ cá và sản phẩm cá) và một số sản phẩm thuộc các chương khác trong Hệ thống thuế mã HS (Hệ thống hài hoà hoá mã số thuế). Với cách hiểu này, nông sản bao gồm một phạm vi khá rộng các loại hàng hoá có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp như:
+ Các sản phẩm nông nghiệp cơ bản như lúa gạo, lúa mỳ, bột mỳ, sữa, động vật sống, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, rau quả tươi…;
+ Các sản phẩm phái sinh như bánh mỳ, bơ, dầu ăn, thịt…;
+ Các sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp như bánh kẹo, sản phẩm từ sữa, xúc xích, nước ngọt, rượu, bia, thuốc lá, bông xơ, da động vật thô…
– Nguyên tắc mở cửa thị trường:
+ Thuế quan hoá các biện pháp phi thuế;
+ Bãi bỏ các hàng rào phi thuế (trừ một số trường hợp nhất định);
+ Tăng thuế quan có điều kiện (chỉ áp dụng đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển);
+ Giảm dần thuế quan theo lộ trình (tính riêng mức giảm và lộ trình giảm cho từng nhóm nước đang phát triển, phát triển, chuyển đổi);
+ Đảm bảo việc tiếp cận thị trường tối thiểu (quy định mức hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu mà nước nhập khẩu phải cho phép đối với những loại nông sản mà trước đó hầu như đóng cửa với hàng hoá nước ngoài);
+ Các biện pháp tự vệ đặc biệt.
– Các biện pháp bảo hộ:
Cụ thể, theo Hiệp định Nông nghiệp thì ngoài các vấn đề thương mại, các quốc gia chỉ có thể đưa ra các biện pháp bảo hộ nông sản dựa trên các lý do nhất định, bao gồm:
(i) Những vấn đề không liên quan đến thương mại (ví dụ như vấn đề an ninh lương thực quốc gia);
(ii) Bảo vệ môi trường;
(iii) Các hình thức đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước đang phát triển;
(iv) Những tác động có thể xảy ra khi thực hiện chương trình cải cách mở cửa thị trường nông sản theo quy định tại Hiệp định (đối với các nước chậm phát triển và nước thuần tuý nhập khẩu lương thực)
– Ưu tiên cho các nước đang phát triển:
Hiệp định Nông nghiệp cho phép các thành viên là nước đang phát triển được hưởng những “ưu tiên” sau đối với hàng nông sản:
– Mức độ buộc phải giảm thuế nhập khẩu và giảm các biện pháp trợ cấp ít hơn (chỉ bằng khoảng 2/3 mức độ giảm áp dụng cho nước thành viên phát triển – thậm chí nhóm nước kém phát triển nhất còn được miễn nghĩa vụ giảm thuế và giảm trợ cấp này);
– Thời hạn (lộ trình) thực hiện các nghĩa vụ giảm thuế và trợ cấp dài hơn.