Sức lao động là một dạng hàng hóa đặc biệt

Sức lao động là tổng hợp toàn bộ thể lực và trí lực tồn tại trong một con người và được người đó sử dụng vào sản xuất.

Trong mọi xã hội, sức lao động đều là yếu tố của sản xuất nhưng sức lao động chỉ trở thành hàng hóa sức lao động khi có hai điều kiện sau:

(i) Người lao động phải được tự do về thân thể của mình, có khả năng chi phối sức lao động ấy và chỉ bán sức lao động ấy trong một thời gian nhất định

(ii) Người lao động không còn có tư liệu sản xuất cần thiết để tự mình thực hiện lao động và cũng không có của cải gì khác, muốn sống chỉ còn cách bán sức lao động cho người khác sử dụng.

Cũng như mọi loại hàng hóa khác, hàng hóa sức lao động cũng có hai thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị.

Giá trị của hàng hóa sức lao động cũng do số lượng lao động XH cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra nó quyết định.

Do việc sản xuất và tái sản xuất sức lao động được diễn ra thông qua quá trình tiêu dùng, sinh hoạt, giá trị sức lao động được quy ra thành giá trị của toàn bộ các tư liệu sinh hoạt cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động, để duy trì đời sống công nhân và gia đình họ cũng như chi phí đào tạo công nhân có một trình độ nhất định.

Tuy nhiên, giá trị hàng hóa sức lao động khác hàng hóa thông thường ở chỗ nó bao hàm cả yếu tố tinh thần và lịch sử của từng nước, từng thời kỳ…

Giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động cũng nhằm thỏa mãn nhu cầu của người mua để sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, khác với hàng hóa thông thường, trong quá trình lao động, sức lao động tạo ra một lượng giá trị mới lớn hơn lượng giá trị của bản thân nó, phần dư ra đó chính là giá trị thặng dư. Đây là đặc điểm riêng của giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *