Quy định về Nhãn hiệu tập thể tại Việt Nam?

1/. Định nghĩa về Nhãn hiệu tập thể:

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó theo quy định Khoản 7 Điều 4 (Văn bản hợp nhất: 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005).

Theo đó, về bản chất thì nhãn hiệu tập thể vẫn là một loại nhãn hiệu. Vì vậy, nhãn hiệu tập thể cũng là các dấu hiệu nhìn thấy được và thực hiện chức năng phân biệt giữa hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể này với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác trên thị trường.

Ngoài những điểm chung của nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể có những đặc điểm riêng, cụ thể:

– Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thề là một tập thể hay tổ chức. Các tổ chức này có thể là hiệp hội, tổng công ty hay hợp tác xã. Các tổ chức, tập thể sẽ đưa ra một bộ quy chuẩn chung dành cho các thành viên thuộc tổ chức, quy định về việc sản phẩm hoặc dịch vụ của các thành viên phải đạt chất lượng nhất định của tổ chức mới có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể. Các quy chuẩn của nhãn hiệu tập thể do tổ chức đề ra phải tuân theo quy định của pháp luật. Như vậy, nhãn hiệu tập thể có nhiều chủ thể có quyền sử dụng.

– Nhãn hiệu tập thể do một hiệp hội hoặc một hợp tác xã sở hữu nhưng bản thân các tổ chức này không sử dụng nhãn hiệu tập thể mà chỉ những thành viên của họ có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể để tiếp thị sản phẩm.

– Tổ chức tập thể sở hữu nhãn hiệu độc quyền trao cho các thành viên của mình quyền sử dụng nhãn hiệu với điều kiện họ phải tuân thủ các điều kiện/ tiêu chuẩn được quy định trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể (ví dụ, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc địa lý).

Ví dụ:

Nhãn hiệuSố đơnChủ sở hữuSố bằngNgày cấp
4-2020-54412Hội Nông dân xã Hồng Lộc39266314/07/2021

2/ Quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể:

Theo khoản 3 Điều 87 (Văn bản hợp nhất số 07 VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005) thì “tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.”

Từ đó, ta thấy khác với nhãn hiệu thông thường thì tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp mới có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể, trường hợp dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó. Hơn nữa, đối với nhãn hiệu tập thể khi mang dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Ở Việt Nam, tính tới thời điểm tháng 8/2021 theo Danh sách các nhãn hiệu tập thể đã cấp tại Việt Nam của Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam thì có khoảng 1457 nhãn hiệu tập thề. Như vậy, nhìn chung số lượng nhãn hiệu tập thể bảo hộ tại Việt Nam chưa nhiều, việc này có thể xuất phát từ việc thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể phức tạp hơn nhãn hiệu thông thường, khi đăng ký nhãn hiệu đòi hỏi tổ chức tập thể sẽ đưa ra một bộ quy chuẩn chung dành cho các thành viên thuộc tổ chức và bộ quy chuẩn này phải đáp ứng các quy định của pháp luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *