Quy định về hiệu lực của di chúc bằng văn bản

1. Di chúc bằng văn bản theo Bộ Luật dân sự

Theo điều 628 Bộ luật dân sự 2015, di chúc bằng văn bản gồm:

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

– Di chúc bằng văn bản có công chứng

– Di chúc bằng văn bản có chứng thực

Ngoài ra theo Điều 638 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực, bao gồm:

– Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.

– Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó.

– Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.

– Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị.

– Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó.

– Di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.

2. Quy định về điều kiện có hiệu lực

Đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Đây là trường hợp người lập di chúc tự mình lập di chúc và ký vào di chúc. Việc tự lập di chúc không có người làm chứng cần phải có đầy đủ nội dung: ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản. Ngoài các nội dung này, di chúc có thể có các nội dung khác. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa. Đối với việc tự lập di chúc, người lập di chúc chỉ có thể lập di chúc khi đang khỏe mạnh, minh mẫn; có thể tự mình viết được di chúc.

Đối với di chúc lập bằng văn bản có người làm chứng tại Điều 634 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này.”

Đây là trường hợp áp dụng khi người lập di chúc không biết chữ, quá yếu để có thể tự mình lập di chúc mà cần phải nhờ người viết, đánh máy để thể hiện ý chí của người muốn lập di chúc. Việc lập di chúc trong trường hợp này cần phải có ít nhất hai người làm chứng; người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước tất cả mọi người bao gồm cả người làm chứng; người làm chứng xác nhận chữ ký; điểm chỉ của người lập di chúc và đồng thời người làm chứng cũng phải ký vào bản di chúc.

Đối với di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc. Tại Điều 636 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc lập di chúc bằng văn bản có công chứng, chức thực tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:

– Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.

– Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc; không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng; người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

Trên thực tế việc này vẫn yêu cầu là người lập di chúc phải lập di chúc từ trước; sau đó là công bố nội dung di chúc trước mặt công chứng viên và trước người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Sau khi đã công bố di chúc, công chứng viên; người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ ký xác nhận vào di chúc. Người lập di chúc cũng sẽ ký; điểm chỉ vào bản di chúc.

Đối với trường hợp người lập di chúc không nhìn thấy, không biết chữ; không nghe được thì thực hiện theo trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 636 Bộ luật Dân sự 2015.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *