Quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về nguồn gốc và bản chất của ý thức

I. NGUỒN GỐC CỦA Ý THỨC

Ý thức có 2 nguồn gốc: nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội.

1. Nguồn gốc tự nhiên:

– Ý thức là sản phẩm của quá trình phản ánh lâu dài của 1 dạng vật chất sống có tổ chức cao (não người chứa hàng tỉ nơron thần kinh).

– Phản ánh là năng lực tái tạo những đặc điểm của dạng vật chất này bởi dạng vật chất khác trong quá trình tác động qua lại lẫn nhau giữa chúng.

– Các hình thức phản ánh:

+ Vật lý;

+ Sinh học: Kích thích và cảm ứng;

+ Tâm lý;

+ Phản ánh của bộ óc người hình thành ý thức: đỉnh cao của sự phản ánh.

Vì vậy thế giới bên ngoài cùng năng lực phản ánh của bộ óc người tác động thế giới khách quan.

2. Nguồn gốc xã hội:

a. Lao động:

– Định nghĩa: Lao động là hoạt động có mục đích mà trong đó con người dùng công cụ lao động tác động lên thế giới tự nhiên

– Vai trò:

+ Bằng hoạt động lao động, con người sẽ tác động và thế giới vật chất, làm bộc lộ ra những thuộc tính, những quy luật của nó, những kết cấu của nó rồi sau đó con người nhận thức để hình thành nên những tri thức mà tri thức là phương thức tồn tại của ý thức.

+ Bằng hoạt động lao động sẽ giúp cho giác quan của con người hoàn thiện hơn (bộ não hoàn thiện hơn), năng lực nhận thức phản ánh tốt hơn.

+ Thông qua lao động, các quan hệ xã hội được hình thành từ đó các ý thức củaxã hội như tôn giáo, đạo đức, văn hoá, nghệ thuật được hình thành.

b. Ngôn ngữ:

– Định nghĩa: Là 1 hệ thống những tín hiệu mang nội dung vật chất, là cái vỏ vật chất của tư duy, là hiện thực trực tiếp của tư tưởng.

– Sự ra đời của ngôn ngữ gắn liền với lao động. Nhờ có ngôn ngữ con người đã giao tiếp, trao đổi với nhau, khái quát, tổng kết thực tiễn và truyền đạt kinh nghiệm, truyền đạt tư tưởng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tóm lại: nếu như nguồn gốc tự nhiên là điều kiện cần thì nguồn gốc xã hội là điều kiện đủ để hình thành ý thức con người. Nguồn gốc trực tiếp quan trọng nhất quyết định sự ra đời và phát triển của ý thức là lao động và thực tiễn xã hội. Ý thứ phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc con người thông qua lao động, ngôn ngữ và các quan hệ xã hội. Ý thức là sản phẩm xã hội, là một hiện tượng xã hội.

II. BẢN CHẤT CỦA Ý THỨC

Bản chất của ý thức: Ý thức là sự phản ánh có tính chất năng động, sáng tạo của bộ óc con người về thế giới khách quan, là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.

Ý thức là một hình ảnh về thế giới khách quan, hình ảnh này bị thế giới khách quan quy định về nội dung, về hình thức nhưng không còn y nguyên như cũ mà đãđược cải tiến, tạo ra 1 hình ảnh mới về sự vật. Đó là hình ảnh tinh thần. C.Mác nói: “Ý thức chẳng qua chỉ là cái vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi trong đó”.

Sự phản ánh của ý thức mang bản chất sáng tạo:

– Dựa vào những tri thức đã có, con người ta tạo ra những tri thức mới.

– Người ta dự báo được tương lai và tưởng tượng ra những cái không có trong hiện thực.

– Sự phản ánh của ý thức được thống nhất bởi 3 quá trình:

+ Sự trao đổi thông tin giữa chủ thể với đối tượng nhận thức.

+ Mô hình hoá đối tượng tư duy dưới dạng hình ảnh tinh thần.

+ Đưa cái mô hình đó ra ngoài hiện thực.

Bản chất ý thức là sự phản ánh có mục đích tích cực, có kế hoạch.

Ý thức mang bản chất xã hội và nó là 1 hiện tượng xã hội vì sự tồn tại của ý thức gắn liền với hoạt động thực tiễn, nó không chỉ bị chi phối bởi quy luật tự nhiên mànó còn bị chi phối bới quy luật xã hội.

Tóm lại: ý thức là hình thức phản ánh cao nhất, riêng có của óc người về hiện thức khách quan trên cơ sở thực tiễn xã hội lịch sử.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *