Phân tích nội dung quy luật thống nhất và đấu tranh các mặt đối lập

Quy luật mâu thuẫn thể hiện bản chất, là hạt nhân của phép biện chứng duy vật. Vai trò của quy luật này là vạch ra nguồn gốc và động lực của sự vận động, phát triển.

– Mặt đối lập: dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính, những khuynh hướng vận động trái ngược nhau, tồn tại khách quan trong tự nhiên, xã hội và tư duy.

– Thống nhất của các mặt đối lập: dùng để chỉ sự liên hệ, ràng buộc, không tách rời nhau, quy định lẫn nhau của các mặt đối lập, mặt này lấy mặt kia làm tiền đề tồn tại, các mặt đối lập tác động ngang nhau và có sự tương đồng.

– Đấu tranh của các mặt đối lập: dùng để chỉ khuynh hướng tác động qua lại, bài trừ, phủ định nhau của các mặt đối lập.

– Thống nhất giữa các mặt đối lập thì có tính tạm thời, tương đối, đó là trạng thái đứng im tương đối của sự vật, hiện tượng; còn đấu tranh của các mặt đối lập có tính tuyệt đối, nghĩa là đấu tranh phá vỡ sự ổn định tương đối của chúng dẫn đến sự chuyển hóa về chất của chúng, gắn với sự tự vận động, phát triển diễn ra không ngừng của sự vật, hiện tượng.

– Mâu thuẫn biện chứng: là khái niệm dùng để chỉ sự liên hệ, tác động theo cách vừa thống nhất, vừa đấu tranh, vừa chuyển hóa lẫn nhau giữa các mặt đối lập.

+ Mâu thuẫn có tính khách quan và phổ biến.

+ Mâu thuẫn có tính đa dạng, phong phú thể hiện ở chỗ mỗi sự vật, hiện tượng bao hàm nhiều loại mâu thuẫn khác nhau: bên trong – bên ngoài, cơ bản – không cơ bản, chủ yếu – thứ yếu.

+ Mỗi mâu thuẫn giữ vị trí vai trò khác nhau trong sự vận động, phát triển của sự vật. Trong các lĩnh vực khác nhau thì mâu thuẫn cũng khác nhau.

Quá trình vận động của mâu thuẫn

Mâu thuẫn là nguồn gốc của sự vận động và sự phát triển.

– Sự thống nhất và sự đấu tranh của các mặt đối lập là hai xu hướng tác động khác nhau của các mặt đối lập. Hai xu hướng này tạo thành một loại mâu thuẫn đặc biệt. Như vậy, mâu thuẫn biện chứng cũng bao hàm cả “sự thống nhất” lẫn “sự đấu tranh” của các mặt đối lập. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập không tách rời nhau trong quá trình vận động, phát triển của sự vật. Đấu tranh của các mặt đối lập quy định một cách tất yếu sự thay đổi của các mặt đang tác động và làm cho mâu thuẫn phát triển.

– Lúc đầu mới xuất hiện, mâu thuẫn chỉ là sự khác nhau căn bản, nhưng theo khuynh hướng trái ngược nhau. Sự khác nhau đó ngày càng lớn lên, rộng ra và đi đến trở thành đối lập. Khi 2 mặt đối lập nằm trong mâu thuẫn này gay gắt dẫn đến sự chuyển hóa, mâu thuẫn được giải quyết, mâu thuẫn cũ mất đi và mâu thuẫn mới ra đời, mâu thuẫn mới được giải quyết, sự vật mới ra đời. Quá trình chuyển hóa giữa 2 mặt đối lập diễn ra liên tục làm cho sự vật, hiện tượng luôn vận động và phát triển và giải quyết mâu thuẫn chính là nguyên nhân và động lực của mọi sự phát triển. Bởi vậy Lênin khẳng định: “Phát triển là cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập”.

Như thế, sự phát triển là cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập.

Ta thấy rõ, không có thống nhất của các mặt đối lập thì sẽ không có đấu tranh giữa chúng. Thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là không thể tách rời nhau trong mâu thuẫn biện chứng.

Sự vận động và phát triển bao giờ cũng là sự thống nhất giữa tính ổn định và tính thay đổi. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập quy định tính ổn định và tính thay đổi của sự vật. Do đó, mâu thuẫn chính là nguồn gốc của sự vận động và phát triển.

Ý nghĩa phương pháp luận:

– Thừa nhận tính khách quan của mâu thuẫn trong sự vật, hiện tượng. Muốn phát hiện mâu thuẫn, cần tìm ra thể thống nhất của các mặt đối lập trong sự vật, hiện tượng.

– Phải phân loại mâu thuẫn và phân tích cụ thể mâu thuẫn để có phương pháp giải quyết mâu thuẫn đó.

– Phải nắm vững nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn bằng đấu tranh giữa các mặt đối lập, không điều hòa mâu thuẫn cũng không nóng vội hay bảo thủ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *