Phân tích các yếu tố lỗi trong BLHS 2015
Yếu tố lỗi là một trong các yếu tố quan trọng khi xác định một cấu thành của tội phạm. Việc xác định lỗi sẽ được thực hiện thông qua hành vi mà người phạm tội thực hiện. Lỗi được biểu hiện dưới hình thức lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.
Theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Bộ luật hình sự 2015 thì lỗi được chia thành: lỗi cố ý trực tiếp, lỗi cố ý gián tiếp, lỗi vô ý vì quá tự tin và lỗi vô ý do cẩu thả, cụ thể như sau:
1. Lỗi cố ý trực tiếp
Khái niệm | Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; |
Nhận thức đối với hành vi | Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi chắc chắn gây nguy hiểm cho xã hội; |
Nhận thức đối với hậu quả | Nhận thức rõ hậu quả đó chắc chắn sẽ xảy ra nếu mình thực hiện hành vi nguy hiểm đó; |
Mong muốn đối với hành vi | Người phạm tội mong muốn thực hiện bằng được hành vi nguy hiểm đó của mình; |
Mong muốn đối với hậu quả | Người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra; |
2. Lỗi cố ý gián tiếp
Khái niệm | Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. |
Nhận thức đối với hành vi | Nhận thức rất rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội; |
Nhận thức đối với hậu quả | Người phạm tội suy đoán rằng hậu quả đó vẫn có khả năng xảy ra nếu người phạm tội thực hiện hành vi đó; |
Mong muốn đối với hành vi | Người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện hành vi; |
Mong muốn đối với hậu quả | Người phạm tội có ý thức để mặc, tức là mặc kệ cho hậu quả có xảy ra hay không xảy ra cũng được; |
3. Lỗi vô ý vì quá tự tin
Khái niệm | Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. |
Nhận thức đối với hành vi | Người phạm tội biết được hành vi của mình có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Tức người phạm tội chỉ biết khả năng đây là hành vi nguy hiểm chứ không chắc chắn đây là hành vi nguy hiểm; |
Nhận thức đối với hậu quả | Người phạm tội nhận thức được hậu quả nhưng cho rằng hậu quả đó không thể xảy ra được, hoặc cho dù có xảy ra thì người phạm tội cũng ngăn ngừa được; |
Mong muốn đối với hành vi | Vì cho rằng hậu quả không thể xảy ra hoặc có xảy ra thì cũng ngăn chặn được nên mặc dù biết hành vi của mình có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nhưng người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện hành vi nguy hiểm đó; |
Mong muốn đối với hậu quả | Người phạm tội không mong muốn hậu quả đó xảy ra; |
4. Lỗi vô ý do cẩu thả
Khái niệm | Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. |
Nhận thức đối với hành vi | Người phạm tội không biết hành vi của mình là hành vi có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Tức trong nhận thức của người phạm tội, thì hành vi mà họ chuẩn bị thực hiện được cho là không thể là hành vi nguy hiểm được, cho dù xác suất chỉ 1%; |
Nhận thức đối với hậu quả | Vì không nghĩ tới việc hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho xã hội nên người phạm tội cũng không thể biết được hậu quả gây nguy hiểm cho xã hội sẽ xảy ra sau khi mình thực hiện hành vi đó; |
Mong muốn đối với hành vi | Vì không biết hành vi mà mình sắp thực hiện là hành vi có thể gây nguy hiểm cho xã hội, mà chỉ nghĩ đó là hành vi hết sức bình thường, nên người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó; |
Mong muốn đối với hậu quả | Người phạm tội không nhận thức được hậu quả nên không mong muốn cho hậu quả đó sẽ xảy ra; |