Phân biệt Vi phạm hành chính với Vi phạm hình sự
Vi phạm hành chính hay vi phạm hình sự (hay tội phạm) thì đều là vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm pháp lý. Các hành vi này đều xâm hại đến các quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ.
Để thấy sự khác biệt giữa Vi phạm hành chính và Vi phạm hình sự, chúng ta sẽ xét đến 2 tiêu chí quan trọng nhất đó là đối tượng điều chỉnh và chế tài xử lý vi phạm.
1. Về đối tượng điều chỉnh
Đối tượng điều chỉnh là các quan hệ pháp luật mà chủ thể đã có hành vi vi phạm, trong đó:
– Vi phạm hành chính là sự xâm phạm đến các quan hệ pháp luật hành chính phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước với nội dung chính là chấp hành và điều hành. Những hành vi vi phạm hành chính hiện nay được quy định chung trong Luật xử lý vi phạm hành chính.
– Vi phạm hình sự là sự xâm hại đến các quan hệ pháp luật hình sự phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội liên quan đến việc họ thực hiện tội phạm, các hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự.
2. Về chế tài xử lý vi phạm
– Chế tài đối với các hành vi vi phạm hành chính (gọi tắt là chế tài hành chính) là bộ phận của quy phạm pháp luật hành chính xác định biện pháp xử lý của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các hình thức xử phạt hành chính gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Trục xuất.
– Chế tài hình sự được gọi là hình phạt là bộ phận hợp thành của quy phạm pháp luật hình sự, xác định loại và giới hạn mức độ hình phạt có thể áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong quy phạm pháp luật hình sự nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại phạm tội.
+ Hình phạt đối với người phạm tội thì có hình phạt chính và hình phạt bổ sung như sau:
Hình phạt chính bao gồm:
- Cảnh cáo;
- Phạt tiền;
- Cải tạo không giam giữ;
- Trục xuất;
- Tù có thời hạn;
- Tù chung thân;
- Tử hình.
Hình phạt bổ sung bao gồm:
- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
- Cấm cư trú;
- Quản chế;
- Tước một số quyền công dân;
- Tịch thu tài sản;
- Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
- Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
+ Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì có hình phạt chính và hình phạt bổ sung như sau:
- Hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
- Hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.