Phân biệt Trách nhiệm hình sự với Trách nhiệm hành chính 2021 mới nhất
Trách nhiệm hình sự với Trách nhiệm hành chính đều là hậu quả bất lợi mà tổ chức, cá nhân phải gánh chịu khi vi phạm các quy định của pháp luật.
Những điểm khác biệt cơ bản giữa Trách nhiệm hình sự và Trách nhiệm hành chính:
1. Về khái niệm
– Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với các cá nhân, pháp nhân thương mại chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình.
– Trách nhiệm hành chính là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải thi hành nghĩa vụ do pháp luật hành chính quy định và trách nhiệm phát sinh do vi phạm nghĩa vụ đó.
2. Đối tượng chịu trách nhiệm
– Trách nhiệm hình sự: Cá nhân; pháp nhân thương mại.
– Trách nhiệm hành chính: Cá nhân; tổ chức.
3. Hình thức xử lý
– Trách nhiệm hình sự: Hình phạt (bao gồm hình phạt chính, hình phạt bổ sung) được quy định tại BLHS.
– Trách nhiệm hình chính: Hình thức xử phạt bao gồm Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Trục xuất.
4. Căn cứ phát sinh
– Trách nhiệm hình sự: Qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử, có kết luận của tòa án thì người vi phạm mới phải chịu trách nhiệm pháp lý do hành vi mình gây ra.
– Trách nhiệm hành chính: Khi bị cơ quan nhà nước phát hiện có hành vi vi phạm thì lập tức ra quyết định xử phạt hành chính và người vi phạm phải thực hiện trách nhiệm hành chính của mình.
5. Mục đích
– Trách nhiệm hình sự: Để răn đe, trừng phạt các cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội. Bên cạnh đó, cũng giáo dục họ có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, để khuyên họ hoàn lương và bắt đầu lại cuộc sống mới, không phạm tội mới, hay tái phạm,…
– Trách nhiệm hành chính: Nhằm bảo vệ, ổn định trật tự quản lý trên các lĩnh vực vực quản lý hành chính nhà nước và loại trừ những vi phạm pháp luật hạn chế những hậu quả xấu có thể xảy ra do hành vi vi phạm đó gây ra.
6. Thẩm quyền kết luận và áp dụng hình thức xử lý
– Trách nhiệm hình sự: Tòa án nhân dân các cấp.
– Trách nhiệm hành chính:
+ Cá nhân: Thủ trưởng, phó thủ trưởng, cán bộ công chức; hoặc Cá nhân có thẩm quyền khác;
+ Tổ chức: Ủy ban nhân dân, Tòa án, Cơ quan công an hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
7. Tuổi chịu trách nhiệm
– Tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
+ Người từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
– Tuổi chịu trách nhiệm hành chính:
+Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính do cố ý.
+Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt đối với mọi hành vi vi phạm hành chính.