Phân biệt Tái phạm và Tái phạm nguy hiểm theo Bộ luật hình sự
Tái phạm, tái phạm nguy hiểm là căn cứ nhằm xác định trách nhiệm của họ đối với hành vi của mình dây ra, chủ yếu thường được đưa vào xem xét như những tình tiết tăng nặng.
1. Tái phạm
Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
Tái phạm có các đặc điểm sau:
– Đã bị kết án: được xem là đã bị kết án khi người phạm tội đã bị tuyên một bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Điều đó có nghĩa là người bị Tòa án xử phạt với bất cứ hình phạt chính nào (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ…).
– Chưa được xóa án tích: việc xóa án tích được xác định theo quy định tại Điều 69, Điều 70, Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó, tình tiết “chưa được xóa án tích” được xác định như sau: người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án, thực hiện hành vi phạm tội trong thời hạn sau:
+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt từ nhưng được hưởng án treo;
+ 02 năm trong trường bị phạt tù đến 05 năm;
+ 03 năm trong trường hợp bị phạt từ từ 05 đến 15 năm.
Trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
– Thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Trường hợp người phạm tội thực hiện tội mới là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trong thì được xác định là hành vi tái phạm khi tội mới này thực hiện với lỗi cố ý, nếu thực hiện với lỗi vô ý thì không coi là tái phạm. Trường hợp người phạm tội thực hiện tội mới là tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng thì không phân biệt người phạm tội do lỗi cố ý hay vô ý, người thực hiện hành vi này đều được xác định là tái phạm.
Như vậy, khi có đủ các căn cứ trên thì người phạm tội mới có thể bị xác định là hành vi tái phạm. Ngoài ra, khi xác định hành vi tái phạm, cần chú ý những đặc điểm sau:
– Việc tái phạm chỉ được đặt ra khi hành vi phạm tội mới của họ đáp ứng dấu hiệu cấu thành tội phạm độc lập, nếu không đáp ứng đủ cấu thành tội phạm của tội mới thì hành vi của người này không bị coi là phạm tội nên không đặt ra là hành vi tái phạm.
– Tình tiết tái phạm được quy định trong Bộ luật hình sự vừa là tình tiết định tội vừa là tình tiết tăng nặng hình phạt. Khi đó, nếu tình tiết tái phạm đã là yếu tố trong cấu thành tội phạm thì không bị coi tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nữa.
2. Tái phạm nguy hiểm
Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm
– Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
– Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Theo đó, người nào đã bị kết án 2 lần về tội phạm độc lập do Bộ luật Hình sự quy định, trong lần kết án thứ 2 trước đó, người này đã bị áp dụng tình tiết tái phạm mà hành vi phạm tội này chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới do lỗi cố ý khi đó, không phân biệt tội mới mà người này thực hiện là loại tội nào, hành vi mới của họ sẽ bị coi là tái phạm nguy hiểm.
Theo đó, mặc dù có thể căn cứ vào tính chất đã kết án hoặc chưa để phân biệt đâu là tái phạm đâu là phạm tội nhiều lần, tuy nhiên còn phải căn cứ thêm vào nhiều trường hợp pháp luật quy định khác. Cụ thể như khoản 7 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rằng án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi thì sẽ không được xem như là đã kết án để xác định hành vi phạm tội tiếp theo của họ xem xét như là tái phạm. Cho nên để có thể đảm bỏa việc xác định đúng hành vi của người phạm tội là gì, cần xem xét đủ các yếu tố về khách thể, chủ thể để áp dụng đúng quy định dành riêng cho từng đối tượng.
Nguồn: Tổng hợp