Phân biệt giữa Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid?

Thỏa ước Madrid và nghị định thư gọi chung là hệ thống Madrid, là hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nhãn hiệu tại các nước trên thế giới. Đăng ký quốc tế nhãn hiệu thông qua hệ thống Madrid hiện nay ngày càng phổ biến. Vì vậy, số lượng thành viên của Thỏa ước Madrid, Nghị định thư hoặc cả hai ngày càng tăng. Tuy nhiên, Thỏa ước Madrid và Nghị định thư cũng có nhiều điểm khác nhau về một số điều kiện cơ bản như sau:

1. Về điều kiện nộp đơn:

Khi nộp đơn đăng ký theo Thỏa ước Madrid bắt buộc nhãn hiệu của người nộp đơn phải được cấp văn bằng bảo hộ tại nước sở tại. Trong khi người nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo nghị định thư có thể nộp đơn  đăng ký quốc tế sau khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại nước sở tại mà không bắt buộc phải đợi đến thời điểm nhãn hiệu đó được cấp văn bằng bảo hộ tại nước sở tại.

2. Việc chỉ định nước thành viên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu:

Đối với đăng ký nhãn hiệu theo Thỏa ước Madrid thì đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ định nước muốn được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phải là thành viên Thỏa ước và không chỉ định bất kỳ nước nào là thành viên Nghị định thư. Còn đối với đăng ký nhãn hiệu theo Nghị định thư thì đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ định ít nhất một nước là thành viên Nghị định thư hoặc cả Thỏa ước Madrid và Nghị định thư.

3. Về ngôn ngữ:

Đơn đăng ký theo Thỏa ước Madrid được viết bằng tiếng Pháp. Còn đơn đăng ký theo Nghị định thư ngoài được viết bằng tiếng Pháp còn được viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha.

4. Về thời hạn xử lý đơn đăng ký quốc tế:

Thời hạn xử lý đơn đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid trong vòng mười hai tháng kể từ khi đơn được hợp lệ, nhãn hiệu đăng ký quốc tế sẽ được chấp nhận bảo hộ ở nước chỉ định trong đơn nếu đơn không bị nước chỉ định từ chối bảo hộ trong thời gian quy định. Còn theo Nghị định thư thì trong vòng mười tám tháng kể từ khi đơn hợp lệ, nhãn hiệu  đăng ký quốc tế sẽ được chấp nhận bảo hộ ở nước chỉ định trong đơn nếu đơn không bị nước chỉ định từ chối bảo hộ trong thời gian quy định.

5. Hậu quả pháp lý và từ chối bảo hộ:

Đối với đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo Thỏa ước Madrid khi bị từ chối ở một nước thành viên thì đăng ký quốc tế vẫn có hiệu lực bảo hộ giống như nhãn hiệu đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia thành viên. Còn đối với đơn đăng ký bảo hộ theo Nghị định thư, nếu nhãn hiệu bị từ chối bởi quốc gia chỉ định bảo hộ thì việc đăng ký theo Nghị định thư có thể chuyển sang hình thức đăng ký quốc gia mà không làm mất đi ngày nộp đơn gốc.

Từ sự khác biệt nêu trên, ta có thể thấy được những điểm mới và thuận lợi hơn của Nghị định thư so với Thỏa ước Madrid:

– Người nộp đơn có thể dựa trên đơn đăng ký cơ sở đã nộp tại cơ quan nhãn hiệu ở nước xuất xứ để nộp đơn quốc tế mà không cần phải bắt buộc người nộp đơn phải dựa vào đăng ký cơ sở;

– Các bên tham gia Nghị định thư mà tại đó người nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu có thể lựa chọn khoảng thời gian mười tám tháng (thay vì mười hai tháng theo Thỏa ước Madrid) hoặc có thể lâu hơn (trong trường hợp bị phản đối) để tuyên bố nhãn hiệu không được bảo hộ tại nước hoặc lãnh thổ đó);

– Ngôn ngữ nộp đơn đăng ký quốc tế theo quy định của Nghị định thư linh hoạt, mềm dẻo hơn vì cho phép sử dụng tiếng Anh. Vì trên thực tế, tiếng Anh là một ngôn ngữ thông dụng và phổ biến của các nước, tạo điều kiện thuận lợi giúp các quốc gia thành viên trong quá trình nộp đơn;

– Trong thời hạn năm năm kể từ ngày đăng ký quốc tế, nếu một đăng ký quốc tế bị hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan xuất xứ thì người nộp đơn có thể chuyển đăng ký quốc tế đó thành đơn quốc gia để nộp trực tiếp vào các nước hoặc các bên tham gia mà đăng ký đó đã từng có hiệu lực với ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đăng ký quốc tế (đối với Thỏa ước Madrid thì điều này không tồn tại);

– Các bên tham gia Nghị định thư có thể được nhận phí cao hơn so với Thỏa ước Madrid.

Trên thực tế, ngày càng nhiều quốc gia quan tâm và mong muốn trở thành thành viên của hệ thống Madrid. Trong tổng số 92 thành viên của hệ thống Madrid, có 55 quốc gia vừa là thành viên của Thỏa ước, vừa là thành viên của Nghị định thư. Việt Nam là thành viên của hai điều ước này. Thực tế cho thấy, chính nhờ những ưu điểm có lợi mà Nghị định thư mang lại mà các quốc gia thường ưu tiên gia nhập Nghị định thư hơn là Thỏa ước Madrid. Từ 1998, tất cả các quốc gia gia nhập Thỏa ước đều gia nhập Nghị định thư (trừ Nigeria là quốc gia tham gia Thỏa ước Madrid mà không gia nhập Nghị định thư). Một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh và EU chỉ gia nhập Nghị định thư.

Theo cập nhật mới nhất về Danh sách thành viên của Hệ thống Madrid trên trang https://www.wipo.int/madrid/en/members/ , hiện nay đã có 109 thành viên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *