Phân biệt Cơ quan quyền lực nhà nước và Cơ quan hành chính nhà nước

Các cơ quan hành chính nhà nước là do cơ quan quyền lực nhà nước tương ứng lập ra, cơ quan quyền lực nhà nước có vị trí pháp lý cao hơn cơ quan hành chính nhà nước vì vậy cơ quan hành chính nhà nước phải chịu sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cũng như phải báo cáo công tác để cơ quan quyền lực nắm bắt tình hình, đề ra các biện pháp xử lý khi cần thiết.

Say đây là những tiêu chỉ cơ bản giúp bạn phân biệt được Cơ quan hành chính nhà nước và Cơ quan quyền lực nhà nước:

1. Về khái niệm

Cơ quan hành chính nhà nước: là một hệ thống cơ quan nhà nước được thành lập từ trung ương đến địa phương và ở các ngành, lĩnh vực để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về mọi mặt của đời sống xã hội.

Cơ quan quyền lực nhà nước: là cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra để thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Cơ quan quyền lực nhà nước có quyền ban hành ra các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các vấn đề quan trọng của đất nước và của nhân dân trên phạm vi cả nước hay từng địa phương, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước khác.

2. Về nguồn gốc hình thành

Cơ quan quyền lực nhà nước: do nhân dân trực tiếp bầu ra.

Cơ quan hành chính nhà nước: do cơ quan quyền lực nhà nước tương ứng bầu ra hoặc hình thành từ tuyển dụng

3. Về đặc điểm

Cơ quan quyền lực nhà nước: cơ quan quyền lực nhà nước có hoạt động chính là lập pháp, hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước thành lập từ trung ương đến địa phương do Quốc hội đứng đầu thực hiện ý chí nhân dân.

Cơ quan hành chính nhà nước: có hoạt động chính là hành pháp, do chính phủ đứng đầu, thực hiện quyền lực nhà nước.

4. Về vị trí pháp lý

Cơ quan quyền lực nhà nước: có vị trí pháp lý cao hơn cơ quan hành chính nhà nước.

Cơ quan hành chính nhà nước: do cơ quan quyền lực nhà nước tương ứng lập ra vì thế cơ quan hành chính có vị trí pháp lý thấp hơn và phải chịu sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước.

5. Về cơ cấu tổ chức

Cơ quan quyền lực nhà nước: bao gồm Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, hội đồng nhân dân – ở địa phương.

Cơ quan hành chính nhà nước: bao gồm chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, bộ cơ quan ngang bộ có thẩm quyền chuyên môn ở trung ương, ủy ban nhân dân –  ở địa phương.

6. Về chức năng chính

Cơ quan quyền lực nhà nước: ban hành văn bản quy phạm pháp luật đưa ra các vấn đề quan trọng của đất nước. Giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước khác.

Cơ quan hành chính nhà nước: quản lý hành chính nhà nước mọi mặt của đời sống xã hội, thực hiện các hoạt động được tiến hành trên cơ sở luật và để thi hành luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *