Phân biệt Áp giải với Dẫn giải theo Luật hình sự mới nhất 2021
Áp giải và dẫn giải đều là biện pháp cưỡng chế cần thiết trong hoạt động tố tụng và áp dụng tùy theo đối tượng áp dụng, trường hợp cụ thể mà cơ quan nhà nước sẽ áp dụng biện pháp phù hợp, vừa phục vụ công tác tư pháp diễn ra nhanh chóng, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị áp dụng.
Sau đây là những điểm khác nhau cơ bản giúp bạn có thể phân biệt được đâu là Áp giải và đâu là Dẫn giải:
1. Về khái niệm
Áp giải: Là biện pháp dẫn giải có vũ trang để buộc đối tượng đi đến một địa điểm đã định theo lệnh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc trong trường hợp khác do pháp luật quy định.
Dẫn giải: Là biện pháp được dùng trong trường hợp khi được triệu tập nhưng đối tượng được triệu tập không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp áp giải đến địa điểm được yêu cầu.
2. Về đối tượng áp dụng
Áp giải: Gồm người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị buộc tội; người bị bắt; người bị tạm giữ; bị can; bị cáo.
Dẫn giải: Gồm người làm chứng; người bị hại; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
3. Về các trường hợp áp dụng
Áp giải được áp dụng trong các trường hợp khẩn cấp mà cơ quan có thẩm quyền xét thấy cần thiết phải sử dụng biện pháp này do có sử dụng vũ trang.
Trường hợp khẩn cấp được hiểu là những tình huống cần được giải quyết ngay lập tức mà không chậm trễ. Đối với pháp luật hình sự thì đó được coi là việc áp dụng những biện pháp ngăn chặn kịp thời, ngay tức khắc nếu không sẽ để lại những hậu quả, ảnh hưởng tới xã hội. Ví dụ như bắt giữ, kịp thời ngăn chặn tội phạm, không để đối tượng phạm thêm tội,…
Dẫn giải được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
– Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
– Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
– Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.