Nhượng quyền thương mại là gì?
Trong thời đại kinh tế đang phát triển theo hướng hội nhập, nên hoạt động nhượng quyền thương mại ngày càng phát triển, tạo điều kiện cho các thương hiệu được nhiều người biết đến. Vậy nhượng quyền thương mại là gì? Bạn hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.
1/ Nhượng quyền thương mại là gì?
Căn cứ vào Điều 284 Luật Thương mại 2005 thì nhượng quyền thương mại được quy định như sau:
– Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
+ Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
+ Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
2/ Đặc điểm pháp lý của nhượng quyền thương mại
– Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, tính chất độc lập của các bên nhượng quyền và nhận quyền được thể hiện rõ nét. Mặc dù, có sự hỗ trợ và kiểm soát qua lại giữa các bên nhưng tư cách pháp lý và trách nhiệm tài chính của các bên luôn độc lập với nhau.
– Có sự thống nhất, đồng bộ về mặt hình thức biểu hiện trong cách thức tiến hành hoạt động thương mại của bên nhượng quyền và bên nhận quyền, hay rộng hơn, trong cả hệ thống nhượng quyền.
– Hoạt động nhượng quyền thương mại chính là sự kết hợp của nhiều hoạt động thương mại khác nhau như: li-xăng, chuyển giao công nghệ; đại lý …
– Về chủ thể, bên nhượng quyền bắt buộc phải có một hệ thống, cơ sở kinh doanh có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Hệ thống kinh doanh này phải có sự trải nghiệm thị trường đủ để tạo ra một giá trị “quyền thương mại” hợp lý và tạo niềm tin cho bên nhận quyền. Mặt khác, dưới góc độ pháp luật, để đáp ứng yêu cầu của pháp luật, bên nhận quyền là một doanh nghiệp độc lập về mặt pháp lý, tài chính và đầu tư, đồng thời chấp nhận rủi ro đối với vốn bỏ ra để thực hiện việc tham gia vào hệ thống nhượng quyền của bên nhượng quyền.
– Về đối tượng của hoạt động nhượng quyền thương mại, nội dung của khái niệm “quyền thương mại” cũng phát triển rất phong phú, bao gồm: hàng tiêu dùng; công việc kinh doanh; dịch vụ; dịch vụ chuyên môn; dịch vụ đặc biệt (thuộc Chính phủ); các phương thức kinh doanh. “Quyền thương mại” có thể chỉ đơn giản là bí quyết kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá, công nghệ sản xuất nhất định hoặc là tổng hợp tất cả những quyền đối với hầu hết các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ để bên nhận quyền có thể sử dụng để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ giống với những sản phẩm hoặc dịch vụ mà bên nhượng quyền tạo ra.
Trên đây là một số nội dung cơ bản liên quan đến vấn đề liên quan đến nhượng quyền thương mại cập nhật đến bạn đọc.