Những lưu ý khi làm bài tập chia thừa kế theo di chúc
Chia thừa kế theo di chúc là một dạng bài tập chia thừa kế mà các bạn sinh viên luật rất dễ dàng bắt gặp trong quá trình học, thi giữa kỳ, thi kết thúc môn Luật dân sự.
Dạng bài này nói khó thì cũng đúng, mà nói dễ thì cũng không sai vì chỉ cần căn cứ quy định của pháp luật đã có để giải quyết. Nếu tìm đúng và áp dụng đúng căn cứ pháp lý để chia thì nó dễ hoặc ngược lại thôi.
Ngoài ra, trong đề bài, giảng viên thường sẽ lồng ghép các quy định trong BLDS liên quan đến việc chia thừa kế hoặc các mẹo nhỏ, mẹo lớn để đánh lừa, làm khó sinh viên trong quá trình giải đề.
Với kinh nghiệm từng trải qua hàng chục dạng đề bài chia thừa kế theo di chúc khác nhau, mình lưu ý các bạn sinh viên luật một số lưu ý quan trọng sau đây khi gặp dạng đề bài này:
1. Cần phải xác định được tính hợp pháp của di chúc, nếu:
– Di chúc hợp pháp (toàn phần) thì chia tài sản theo di chúc.
– Di chúc không hợp pháp thì chia thừa kế theo pháp luật.
Để xác định phần này thì các bạn cần nắm rõ, đối chiếu quy định từ điều 625 đến điều 640 BLDS 2015 (đề có thể sẽ đặt mẹo theo một các điều này, rất dễ sai các bạn nhé).
2. Xác định hiệu lực của di chúc
– Nếu di chúc vô hiệu toàn bộ thì bỏ qua di chúc, chia thừa kế theo pháp luật.
– Nếu vô hiệu một phần thì cần xác định được phần nào vô hiệu, phần nào có hiệu lực. Sau đó phần nào có hiệu lực thì chia theo di chúc, phần nào vô hiệu thì đem đi chia theo pháp luật.
Để xác định phần này thì các bạn cần nắm rõ quy định tại Điều 643 BLDS 2015 (phần này thường sẽ được đặt mẹo ở chỗ người thừa kế theo di chúc chết trước người để lại di sản, hoặc thêm trường hợp nữa là chết cùng thời điểm với người để lại di sản).
3. Cần chú ý đến những người thừa kế không phụ di chúc
Tử huyệt khi làm bài tập chia thừa kế theo di chúc thường sẽ được đặt ở đây các bạn nhé, vì thường thì chúng ta sẽ quên đi mất phần này hoặc cũng có thể là do lười quá nên chưa đọc đến điều này nên dễ dẫn đến việc sai ngay từ khi bắt đầu chia, dẫn đến sai cả bài và ăn quả “0” tròn trĩnh phần này.
Vì thế các bạn cần nắm cho thật kỹ quy định tại điều 644 BLDS 2015, theo đó các đối tượng sau đây dù có tên trong di chúc hay không thì cũng vẫn được chia thừa kế (nhưng sẽ ít hơn):
– Con dưới 18 tuổi (phần này thường sẽ dính con ngoài giá thú lắm nhé, trên thực tế sẽ xác định con thường sẽ dựa vào giấy khai sinh của con hoặc xét nghiệm huyết thống).
– Cha ruột, mẹ ruột của người để lại di sản (trên thực tế, cái này xác định qua giấy khai sinh, sổ hộ khẩu của người để lại di sản).
– Vợ, chồng hợp pháp của người để lại di sản (cái này trên thực tế sẽ xác định qua giấy đăng ký kết hôn).
– Con từ đủ 18 tuổi trở lên không có khả năng lao động (trên thực tế có thể xin xác nhận của chính quyền).
Và đừng quên khoản 2, điều 644 BLDS 2015 nhé (con đánh cha, ngược đãi mẹ có được hưởng thừa kế hay không?…).
4. Lưu ý phần di sản được dùng vào việc thờ cúng, di tặng
Nếu di chúc có đề cập đến các nội dung này thì trước khi chia thừa kế phải trừ các phần này ra trước. Sau khi trừ xong thì phần còn lại mới chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật (đối với những người thừa kế không phụ thuộc di chúc) và chia số di sản còn lại theo di chúc.
Về phần di sản thờ cúng, di tặng các bạn xem điều 645, điều 646 BLDS 2015 sẽ rõ nhé.
P/s: Trên đây là một số kinh nghiệm của mình khi làm bài tập chia thừa kế theo di chúc, bạn nào có kinh nghiệm gì hay thì để lại bình luận bên dưới để mọi người cùng tham khảo nhé!