NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG CƠ BẢN CỦA HỆ THỐNG MADRID
Hệ thống Madrid là một con đường nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu mà các nước thỏa thuận hình thành. Đăng ký quốc tế nhãn hiệu là một vấn đề pháp lý khá phức tạp, vì vậy để phát huy được đúng bản chất cũng như nâng cao hiệu quả khi vận dụng hệ thống thì cần phải đặt ra những nguyên tắc cơ bản nhằm tạo cơ chế quản lý chặt chẽ trong quá trình đăng ký quốc tế nhãn hiệu thông qua hệ thống. Các nguyên tắc cơ bản chủ yếu được xây dựng trên pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu ở quốc gia và các điều ước quốc tế liên quan.
1/ Nguyên tắc về người nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu:
– Người nộp đơn thuộc nước thành viên của Thỏa ước Madrid được nộp đơn vào các nước cùng là thành viên của Thỏa ước Madrid.
– Người nộp đơn thuộc nước thành viên của Nghị định thư thì được nộp đơn vào các nước là thành viên Nghị định thư.
– Người nộp đơn thuộc nước là thành viên của Thỏa ước lẫn Nghị định thư khi nộp đơn vào một quốc gia thành viên cũng của cả hai thì chỉ được áp dụng theo Thỏa ước Madrid (quy định này được áp dụng từ ngày 01/09/2008- thay thế 40 điều khoản bảo vệ- phần 1(a) điều 9sexies của Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa).
2/ Nguyên tắc đối với quốc gia nơi đăng ký nhãn hiệu là thành viên Thỏa ước Madrid hoặc Nghị định thư:
Không phải người nộp đơn của quốc gia nào cũng có quyền đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống Madrid. Vì vậy, nếu muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia thông qua hệ thống Madrid thì buộc quốc gia của người nộp đơn phải là thành viên của Thỏa ước Madrid hoặc Nghị định thư hoặc cả hai. Đây là một nguyên tắc khá quan trọng nếu các quốc gia muốn tài sản trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng của quốc gia mình xâm nhập vào thị trường các nước khác, nâng cao quá trình hội nhập mà vẫn bảo hộ được chúng trước sự cạnh tranh tại thị trường quốc tế một cách dễ dàng thông qua hệ thống Madrid thì các quốc gia phải tham gia vào hệ thống Madrid.
3/ Nguyên tắc bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đăng ký:
– Nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ theo nguyên tắc lãnh thổ. Đăng ký ở nước nào thì chỉ có hiệu lực ở nước đó. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ là đăng ký một quốc gia nhưng có hiệu lực tại một nhóm quốc gia.
Ví dụ: Nhãn hiệu đăng ký bảo hộ ở cộng đồng Châu Âu (có hiệu lực cho tất cả các nước thuộc cộng đồng Châu Âu khi các nước cùng gia nhập chung một cộng đồng).
4/ Bảo hộ theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên:
Trong trường hợp nhiều người nộp đơn khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ tại quốc gia đó. Tuy nhiên, nếu trường hợp trên các các đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất theo thỏa thuận của tất cả những người nộp đơn, nếu không thỏa thuận được thì các đơn đăng ký đó đều sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
5/ Bảo hộ theo nguyên tắc ưu tiên:
Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại các nước chỉ định, người nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn. Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu được yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên và ngày nộp đơn đầu tiên không được tính vào thời hạn ưu tiên căn cứ vào Điểm c Điều 4 Công ước Paris.
Từ những nguyên tắc áp dụng cơ bản của hệ thống Madrid cho thấy hệ thống quản lý việc đăng ký bảo hộ của các nước rất chặt chẽ, nếu các nước muốn tiến tới thị trường nhiều nước mà vẫn bảo vệ được nhãn hiệu theo con đường hệ thống Madrid thì các nước phải tham gia một trong hai hoặc cả hai Thỏa ước Madrid và Nghị định thư. Đồng thời, nguyên tắc trên cũng một phần thu hút thêm thành viên cho hệ thống Madrid vì tuy sự quản lý quá trình đăng ký quốc tế thông qua hệ thống Madrid có nhiều yếu tố ràng buộc nhưng cũng không phủ nhận những lợi ích mà nó đem lại cho người nộp đơn về thủ tục, chi phí, ngôn ngữ,…Ngoài ra, đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống Madrid có những quy định tương đồng với quy định của các quốc gia về áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, nguyên tắc ưu tiên khi đăng ký quốc tế nhãn hiệu nên sẽ tạo cơ chế nộp đơn thuận lợi hơn cho các nước, đặc biệt là Việt Nam.
Từ các nguyên tắc cơ bản trên của việc đăng ký dẫn theo một số hệ quả sau:
– Doanh nghiệp phải nộp đơn đăng ký kịp thời tại các quốc gia mà doanh nghiệp đã và sẽ xuất khẩu hàng hóa tới. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng ngày ưu tiên của ngày nộp đơn tại nước sở tại.
– Các nguyên tắc trên giúp cho người nộp đơn có ý thức hơn về thời gian nộp đơn đăng ký một hợp lý để được bảo hộ tại nước ngoài theo đơn đăng ký nộp tại nước sở tại.
Hệ thống Madrid cũng như các hệ thống khác tuy nó đem lại nhiều lợi ích đáng kể, song nó cũng có những nguyên tắc riêng ràng buộc các quốc gia thành viên phải tuân theo khi đăng ký bảo hộ quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống này. Đây là điều tất yếu khi hình thành một hệ thống bởi đó là quy định chung giữa các quốc gia là thành viên, tạo cơ chế vững chắc để quản lý có hiệu quả việc vận dụng hệ thống trong quá trình đăng ký bảo hộ quốc tế nhãn hiệu.