Mách nước dân luật cách tìm căn cứ pháp lý nhanh và chuẩn xác nhất
1. Đầu tiên bạn phải xem hiệu lực của văn bản
Bao gồm các nội dung sau đây:
– Văn bản đó có hiệu lực thi hành kể từ ngày, tháng, năm nào. Nội dung này thường được quy định ở phần cuối của văn bản.
Ví dụ: Quy định về ngày, tháng, năm có hiệu lực thi hành của Bộ luật dân sự 2015 được quy định tại Điều 689.
– Văn bản đó còn hiệu lực áp dụng hay không.
2. Xem phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của văn bản
Các bạn bắt buộc phải xem qua các nội dung này để biết phạm vi điều chỉnh của văn bản này là gì, đối tượng điều chỉnh của văn bản này là gì để xác định xem câu hỏi trong đề thi, bài tập có thuộc phạm vi áp dụng của văn bản hay không.
Nếu không thuộc thì đi tìm căn cứ pháp lý ở văn bản khác, chứ cứ áp dụng bừa quy định bên trong là “sai một li, đi một dặm” luôn đấy.
Ví dụ: Câu nhận định đang đề cập đến đối tượng là viên chức, mà lại đi lấy quy định trong Luật Cán bộ, công chức ra để trả lời là đi xa luôn!
Nội dung về đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh thường được quy định ở phần đầu của văn bản.
Ví dụ: Ở đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 2014 được quy định lần lượt tại Điều 1 và Điều 2 Luật Doanh nghiệp 2014.
3. Bước cuối cùng là đi tìm căn cứ pháp lý
Sau khi đã xác định được văn bản quy phạm pháp luật đó còn hoặc đã có hiệu lực áp dụng, phạm vi và đối tượng điều chỉnh phù hợp với câu hỏi trong đề thi, bài tập thì việc tiếp theo là đi tìm căn cứ pháp lý để trả lời câu hỏi theo yêu cầu trong đề thi, bài tập và tận hưởng thành quả thôi.