Làm pháp chế là làm gì?
Một trong những câu nói kinh điển mà bạn được nghe khi trở thành sinh viên ngành Luật đó là “sau khi tốt nghiệp luật, bạn sẽ có thể làm luật sư, làm trong doanh nghiệp, làm ngân hàng, vân vân và mây mây”. Có điều trong suốt 4 năm học luật, bạn phải học một khối lượng kiến thức chuyên môn quá nhiều, và các HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP thì lại quá ít.
Câu hỏi nên được trả lời là “LÀM TRONG DOANH NGHIỆP LÀ LÀM CÁI GÌ?”. Đây là một câu hỏi tưởng chừng rất dễ, nhưng thực tế thì nó phức tạp hơn bạn nghĩ đấy. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về hoạt động của một doanh nghiệp, qua đó nhằm giúp bạn hình dung thế nào là LÀM TRONG DOANH NGHIỆP (“sau đây gọi tắt là in-house”).
Hãy hình dung một cơ sở sản xuất bánh ngọt nhé.
Ở Quy Mô Nhỏ Và Siêu Nhỏ: Đây là các doanh nghiệp do các cá nhân lập ra, doanh thu không cao. Chủ doanh nghiệp hoặc tự mình làm việc hoặc thuê thêm người lao động. Ưu tiên hàng đầu cho việc thuê mướn lao động sẽ là những người trực tiếp thực hiện các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, mà cụ thể là thợ làm bánh.
Ở Quy Mô Vừa: Bánh bán cho khắp thành phố. Doanh nghiệp bánh này phải ký hợp đồng dài hạn với các hệ thống cafe, tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu tốt…Lúc này đây, ngoài việc thuê nhân lực làm bánh (trực tiếp sản xuất), doanh nghiệp còn thuê nhân công thực hiện các hoạt động hỗ trợ như marketing, quản lý website, pháp chế.
Ở Quy Mô Lớn: Doanh nghiệp bán bánh cho toàn quốc, thậm chí còn tự mở những cửa hàng bánh ngọt kết hợp với cafe…Nhu cầu dành cho pháp chế theo đó cũng nhiều hơn.
Cho nên, bạn phải nhận thức rằng, pháp lý là một hoạt động mang tính hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh. Nó không phải là hoạt động trực tiếp tạo ra doanh thu và/hoặc lợi nhuận cho doanh nghiệp. Như mô tả ở trên, nhu cầu hỗ trợ pháp lý này, chỉ bắt đầu phát sinh khi doanh nghiệp đang ở quy mô vừa. Sự khác biệt trong hoạt động của pháp chế ở các doanh nghiệp quy mô VỪA và quy mô LỚN là nằm ở chỗ:
Ở quy mô vừa, thường thì chỉ có số lượng nhân viên pháp chế rất hạn chế (thông thường là 1 hoặc 2 người). Người này sẽ kiêm tất cả các công việc mang tính pháp lý và các công việc có tính chất gần với pháp lý. Ví dụ như Pháp chế, Lao động, Tiền lương. Nói cho dễ hình dung, trong trường hợp này, pháp chế mang tính all – in – one. Một con người đa năng.
Ở quy mô lớn, có thể nhân sự phụ trách về pháp chế sẽ nhiều hơn. Nhưng đừng mong “phòng pháp chế” sẽ hoành tráng như các phòng khác. Cơ bản đâu đó khoảng 5, 7 người là nhiều rồi. Mỗi bạn sẽ phụ trách một mảng khác nhau. Nói cách khác là mang tính phân công. Ngoài ra, ở quy mô này, đôi khi sẽ phát sinh vấn đề pháp lý phức tạp. Bộ phận pháp chế [thường] sẽ có quyền thuê ngoài.
Sự khác biệt trong hai trường hợp trên, đó là nếu làm ở quy mô lớn, bạn [mới tốt nghiệp], sẽ có cơ hội được học nghề từ sếp [trưởng pháp chế] hoặc sếp công ty [CEO], trong khi đó làm việc ở doanh nghiệp quy mô vừa, bạn tự bơi là chủ yếu. Cho nên, nếu được lựa chọn thì hãy cố gắng vào doanh nghiệp quy mô lớn. Vấn đề không chỉ là lương cao hơn hay oai hơn, mà vấn đề là bạn sẽ được “hướng dẫn” trong những ngày đầu tiên. Và nếu may mắn, bạn gặp sếp tốt, bạn sẽ có những trải nghiệm đúng đắn và thú vị về nghề in-house.
Điều cuối cùng là, bạn nên nhớ, chỉ đâu đó khoảng 40% công việc bạn làm trong doanh nghiệp là sử dụng các kiến thức luật mà bạn học ở trường, 60% còn lại bạn sẽ phải tự trang bị. Nói cách khác, việc làm ở doanh nghiệp sẽ khác rất nhiều so với việc làm ở một công ty luật đấy.
Tác giả: TS. Phạm Hoài Huấn
Nguồn: Học viện Pháp luật thực hành