Không có giấy khai sinh của người chết có làm thủ tục thừa kế được không?

Câu hỏi: Trong quá trình chung sống, hai vợ chồng tôi lập được một căn nhà. Tháng 12 năm 2017 chồng tôi mất. Tôi làm thủ tục kê khai di sản thừa kế tại UBND xã thì bị yêu cầu phải có giấy khai sinh của chồng tôi mới kê khai được nhưng tôi không có giấy khai sinh của chồng, cho nên UBND xã từ chối làm thủ tục kê khai di sản thừa kế. Vậy cho tôi hỏi nếu tôi không có giấy khai sinh của chồng thì tôi không được kê khai di sản thừa kế sao?

Về vấn đề này, Thư Ký Pháp Lý có ý kiến như sau:

Thứ nhất: Quyền hưởng di sản thừa kế của người thừa kế theo pháp luật

Theo như lời bạn trình bày thì chồng bạn mất không có để lại di chúc, căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015 quy định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Như vậy, theo quy định trên thì bạn có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật mà chồng bạn để lại.

Nhưng khi kê khai di sản thừa kế thì tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất phải có mặt tại UBND xã để kê khai và không ai được vắng mặt (trừ trường hợp có giấy ủy quyền).

Cho nên, việc UBND xã yêu cầu cần phải có giấy khai sinh của chồng bạn trong hồ sơ kê khai di sản thừa kế là để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con của người để lại di sản.

Do đó, bạn vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế theo đúng quy định pháp luật, nhưng nếu không có giấy khai sinh của chồng bạn thì không thể làm thủ tục kê khai di sản thừa kế được.

Thứ hai: Giải quyết vấn đề đăng ký nhận cha, mẹ, con để tiến hành kê khai di sản thừa kế

Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định:

“2. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này và trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã; hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con gồm các giấy tờ sau đây:...”

Và Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định:

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.

Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.”

Như vậy, trong trường hợp này để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con để kê khai di sản thừa kế thì cha, mẹ của chồng bạn cần đăng ký nhận cha, mẹ, con tại UBND xã để tiến hành kê khai di sản thừa kế theo đúng quy định của pháp luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *