Hướng dẫn thủ tục mở quán cà phê năm 2021 từ A đến Z
Hiện nay, có nhiều bạn muốn mở quán cà phê để kinh doanh nhưng không biết thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước thực hiện như thế nào. Sau đây là các bước cơ bản để đăng ký kinh doanh một quán cà phê:
Bước 1. Đăng ký hộ kinh doanh
Trường hợp mở quán cà phê có địa điểm kinh doanh cố định, thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Bạn có thể lựa chọn đăng ký kinh doanh hộ gia đình hoặc thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu chỉ mở quán bán cà phê nhỏ do mình vừa làm chủ vừa bán, vừa phục vụ với một vài nhân viên thì bước đầu nên đăng ký hộ kinh doanh để thủ tục được đơn giản cũng như việc đóng thuế, phí cho nhà nước cũng không quá rắc rối. Sau này, quán phát triển thì có thể đăng ký lên doanh nghiệp sau cũng không muộn.
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh thực hiện như sau:
Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Hồ sơ bao gồm:
(1) Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
(2) Bản sao hợp lệ một trong các loại giấy tờ sau đây của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình:
– Thẻ căn cước công dân.
– Chứng minh nhân dân.
– Hộ chiếu còn hiệu lực.
(3) Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh hoặc thông báo nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh để tiến hành sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa hợp lệ.
Lưu ý:
– Phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để còn làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho quán cà phê.
– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh phải khai, nộp lệ phí môn bài theo quy định.
Bước 2. Xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Theo quy định thì trường hợp kinh doanh ban đầu nhỏ lẻ thì không yêu cầu phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Do đó, nếu mở quán cà phê không thuộc trường hợp kinh doanh ban đầu nhỏ lẻ thì bắt buộc phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Quán cà phê muốn được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
– Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thực hiện như sau:
Hộ kinh doanh gửi một bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm nơi đặt địa điểm kinh doanh. Hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đã được cấp ở Bước 1)
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.
– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại quán, nếu đủ điều kiện Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho quán.
Bước 3. Sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thì quán cà phê đã có thể bắt đầu đi vào hoạt động được rồi.
Căn cứ: Luật An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010; Nghị định số 78/2015/NĐ-CP; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP;…