Hướng dẫn thủ tục ly hôn năm 2021 nhanh nhất từ A đến Z

1. Bước 1: Chuẩn bị các loại giấy tờ

Về cơ bản thì các loại giấy tờ dùng trong trường hợp đơn phương ly hôn hoặc thuận tình ly hôn đều giống nhau. Những giấy tờ cần thiết gồm:

– Đơn xin ly hôn:

+ Nếu đơn phương ly hôn thì sẽ dùng Mẫu đơn xin ly hôn đơn phương được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP (Đơn khởi kiện ly hôn)

+ Nếu thuận tình ly hôn sẽ dùng Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình (Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn)

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính); Trường hợp không có bản chính thì có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn để xin cấp trích lục bản sao.

– Chứng minh nhân dân / Căn cước công dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực); Trường hợp không có Chứng minh nhân dân / Căn cước công dân của vợ/chồng thì theo hướng dẫn của Tòa án để nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế (như hộ chiếu,…).

– Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);

– Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);

– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).

2. Bước 2: Nộp đơn ly hôn và các giấy tờ kèm theo 

Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện là nơi có thẩm quyền giải quyết thủ tục ly hôn cấp sơ thẩm.

– Đối với trường hợp thuận tình ly hôn:

Nếu hai vợ chồng thuận tình ly hôn thì có thể thỏa thuận đến Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án sẽ phân công Thẩm phán giải quyết.

– Đối với trường hợp đơn phương ly hôn

Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Do đó, trong trường hợp đơn phương ly hôn, Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết sẽ là nơi bị đơn cư trú, làm việc.

Đáng lưu ý: Hiện nay, theo quy định của khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vợ, chồng không được ủy quyền ly hôn cho người khác tham gia tố tụng mà chỉ được nhờ nộp đơn, nộp án phí… Thay vào đó, nếu không thể tham gia tố tụng thì vợ, chồng có thể gửi đơn đề nghị xét xử vắng mặt đến Tòa…

3. Bước 3: Giải quyết ly hôn

Quá trình này sẽ do Tòa án chủ trì thực hiện, quy trình giải quyết như sau:

– Đối với ly hôn đơn phương: Thụ lý đơn ly hôn (đơn khởi kiện) => Hòa giải => Phiên tòa sơ thẩm.

Thời gian giải quyết kéo dài hơn, có thể từ 04 – 06 tháng; tuy nhiên trên thực tế, do có thể phát sinh những tranh chấp về quyền nuôi con, về tài sản thì thời gian giải quyết còn có thể kéo dài hơn.

– Đối với ly hôn thuận tình: Thụ lý đơn => Chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn => Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

Thời gian giải quyết của một vụ ly hôn thuận tình kéo dài khoảng 02 – 03 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *