Học ngành Luật ra trường làm gì? Thu nhập bao nhiêu?
Đây là câu hỏi khá phổ biến trong giới học sinh, sinh viên của hầu hết các ngành học chứ không chỉ riêng ngành luật. Sau đây, mình sẽ nêu một số ngành nghề phổ biến mà sinh viên luật sau khi tốt nghiệp có thể làm như sau:
Luật sư: Là một trong những nghề truyền thống và được nhiều người biết đến trong ngành luật bên cạnh các ngành nghề khác như Thẩm phán, Kiểm sát viên,…
Công việc này yêu cầu cá nhân phải có đủ các tiêu chuẩn và được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Vì đây là một công việc khó khăn, đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng cao nên thời gian đào tạo thường lâu hơn so với các nghề khác.
Để trở thành một luật sư, bạn phải có bằng cử nhân Luật, có chứng chỉ lớp đào tạo luật sư và tập sự một năm tại các tổ chức hành nghề luật sư mới đủ điều kiện dự thi để được cấp chứng chỉ hành nghề…
Về lương: Lương của luật sư thường được xác định dựa vào năng lực, uy tín của luật sư, vụ việc cụ thể nên mức lương không cố định.
Công chứng viên: Là người có trách nhiệm tư vấn và thẩm định công chứng cho khách hàng; công chứng hợp đồng, giấy tờ,… và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình;
Ngoài ra, công chứng viên còn có thể hỗ trợ việc soạn thảo; soạn thảo và tư vấn các vấn đề về pháp lý thẩm định tính pháp lý của các hợp đồng, thỏa thuận; hỗ trợ luật sư trong các hồ sơ tranh chấp…
Công chứng viên là nghề yêu cầu cần có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Do đó, để trở thành công chứng viên, cử nhân luật phải học một lớp đào tạo nghề công chứng, qua thời gian tập sự, qua kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự để được cấp chứng chỉ, có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật, đảm bảo sức khỏe để hành nghề công chứng…
Công chứng viên là người xác nhận những giao dịch, hợp đồng là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, nghề này đòi hỏi người thực hiện công chứng có sự hiểu biết về pháp luật và có tinh thần trách nhiệm cao.
Về mức lương: Lương theo vụ việc hoặc theo công việc cụ thể.
Pháp chế doanh nghiệp: Là người làm những công việc liên quan đến pháp lý trong các công ty, ngân hàng,…
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, rủi ro về pháp lý trong kinh doanh là rất lớn nếu các doanh nghiệp không biết cách phòng ngừa. Tuy nhiên, việc có thể tiên liệu và phòng tránh rủi ro pháp lý không phải ai cũng làm được mà cần có một đội ngũ những người am hiểu pháp luật. Do đó, nhu cầu về nhân viên pháp chế doanh nghiệp hiện nay là rất lớn – đây là một cơ hội rất tốt cho các Cử nhân luật.
Ngoài các doanh nghiệp, Cử nhân luật cũng có thể tham gia đội ngũ pháp chế trong các ngân hàng thương mại. Hoạt động của ngân hàng thường gắn liền với hợp đồng, đầu tư,.. nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, luôn cần những đội ngũ pháp chế để rà soát hợp đồng, đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng….
Về mức lương: Lương được trả theo năng lực.
Chuyên viên pháp lý: Là vị trí có cơ hội việc làm cao trong ngành luật. Chuyên viên pháp lý có trách nhiệm giải quyết, tư vấn những vấn đề liên quan đến pháp luật cho doanh nghiệp.
Do đó, Chuyên viên pháp lý phải là người nghiên cứu, soạn thảo và hoàn thiện các văn bản, hồ sơ pháp lý. Bên cạnh đó, Chuyên viên pháp lý cũng phải có trách nhiệm cập nhật những thay đổi của quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Để làm công việc chuyên viên pháp lý, điều kiện cần là bạn phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật. Đồng thời có kỹ năng giao tiếp tốt, có sức thuyết phục, linh hoạt trong giải quyết vấn đề, tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Về mức lương: Lương được trả theo năng lực.
Giảng viên luật là người thực hiện công việc giảng dạy tại các trường có đào tạo ngành luật trên cả nước.
Nếu bạn yêu thích nghiên cứu pháp luật, thì trở thành giảng viên luật sẽ là lựa chọn phù hợp. Việc giảng dạy ngành Luật hiện nay mới chỉ được tổ chức ở một số trường đại học. Nhưng hầu hết, các trường đại học đều cần những giảng viên luật để dạy những bài giảng về pháp luật chung hay pháp luật về chuyên ngành cho những ngành không phải là Luật. Do đó, nhu cầu về giảng viên cũng ngày một tăng. Các trường có nhu cầu sẽ tổ chức các kỳ thi tuyển giảng viên để tuyển dụng. Làm giảng viên, bạn sẽ có nhiều thời gian và cơ hội để nghiên cứu Luật chuyên sâu, đóng góp cho sự phát triển luật pháp của nước nhà.
Để có thể đảm nhận được công việc Giảng viên ngành luật thì điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là có bằng Thạc sĩ ngành luật trở lên; có trình độ ngoại ngữ, tin học; có năng lực sư phạm…
Trợ giúp viên pháp lý: Là những người được đào tạo về luật và có chức năng giúp đỡ, hỗ trợ những trường hợp cần được trợ giúp pháp luật. Công việc của trợ giúp viên pháp lý thường là tư vấn luật, hướng dẫn các đối tượng được trợ giúp thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính, hướng dẫn soạn thảo đơn từ, chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ…
Những người được trợ giúp pháp lý thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, thương binh, bệnh binh,… là những người không có kiến thức pháp luật nhưng vì hoàn cảnh khó khăn mà không thuê được luật sư hoặc tư vấn pháp luật.
Thư ký tòa án: Là người có trình độ cử nhân luật trở lên được Tòa án tuyển dụng, được đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án và bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Tòa án.
Công việc chính của thư ký tòa án là ghi chép, tống đạt văn bản tố tụng, nhận, giữ, sắp xếp, chuyển hồ sơ, hướng dẫn, phổ biến cho đương sự, và làm những công việc khác để đảm bảo cho Thẩm phán Toà án thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Để làm được thư ký tòa án, bạn phải vượt qua được kỳ thi tuyển công chức ngành Tòa án.
Mức lương: Được trả theo ngạch, bậc và ổn định.
Thẩm phán: Là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật có nhiệm vụ xét xử vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án.
Công việc chủ yếu của Thẩm phán là chủ trì việc các phiên họp, xét xử…
Thẩm phán là một chức danh tư pháp yêu cầu phải được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Do đó, để trở thành Thẩm phán, cá nhân phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khác nhau và vô cùng khó.
Mức lương: Được trả theo ngạch, bậc và ổn định.
Kiểm sát viên: Là người của cơ quan công tố, được cơ quan tư pháp trao trách nhiệm điều tra, truy tố và buộc tội kẻ phạm pháp trong các vụ án hình sự trong các phiên tòa xét xử.
Vì làm việc cho nhà nước nên kiểm sát viên/công tố viên sẽ được nhận tiền lương hàng tháng chứ không bất ổn như số lương của luật sư và công chứng viên.
Ngoài các công việc tiêu biểu kể trên, thì sinh viên luật ra trường có thể làm được nhiều ngành nghề khác nữa như Cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Quản tài viên, Chấp hành viên, Tư vấn viên pháp luật, Công chức làm công tác hộ tịch, Trợ lý luật sư, Người làm công tác pháp chế thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học,…