DN không phải muốn giải thể là giải thể, phá sản là phá sản được ngay
Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tại Việt Nam lên đến hàng trăm ngàn mỗi năm và cũng có xu hướng tăng lên theo từng năm do sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế cả nước trong giai đoạn hiện nay (năm 2018 số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng khoảng 3,5% so với năm 2017, còn năm 2019 tăng 5,2% so với năm 2018 – đây là năm tăng kỷ lục, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê).
Nhưng song song với đó, hàng loạt doanh nghiệp đã phải giải thể hoặc phá sản do không thể trụ vững trên thị trường hoặc vì một lý do nào đó mà phải rút khỏi thị trường. Nhưng không phải doanh nghiệp nào muốn phá sản hoặc giải thể là có thể phá sản, giải thể được ngay, mà còn phải cần điều kiện (tự như câu nói “vào ba, ra bảy” chẳng hạn, đó chính là điều kiện).
Đối với từng trường hợp cụ thể là doanh nghiệp giải thể hay phá sản mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng được những điều kiện khác nhau.
2. Trường hợp giải thể doanh nghiệp
Giải thể có thể hiểu là sự chấm dứt hoạt động của một doanh nghiệp/pháp nhân nào đó trên thị trường và theo pháp luật. Việc giải thể có thể được thực hiện tự nguyện (theo nguyện vọng) hoặc trong tình thế buộc phải thực hiện mặc dù doanh nghiệp không hoặc chưa muốn thực hiện giải thể, cụ thể như sau:
(1) Trường hợp giải thể tự nguyện:
Trong trường hợp giải thể tự nguyện, doanh nghiệp vì kinh doanh không đạt hiệu quả, hoặc vì bất kỳ lý do nào đó có thể tự quyết định thời điểm giải thể, cách thức giải thể,… sau khi đã đáp ứng đủ điều kiện giải thể của pháp luật.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp giải thể theo quyết định của chủ doanh nghiệp, thành viên, ban quản lý của doanh nghiệp, cụ thể như sau:
– Đối với doanh nghiệp tư nhân, chỉ có một chủ sở hữu đồng thời là người đại diện theo pháp luật, nên việc giải thể doanh nghiệp tư nhân sẽ do chủ sở hữu quyết định.
– Đối với công ty hợp danh, có các thành viên hợp danh và thành viên góp vốn (chỉ là tổ chức, cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp và được chia lợi nhuận theo tỷ lệ trên phần vốn góp), trong đó các thành viên hợp danh mới là người quản lý, có quyền định đoạt doanh nghiệp, nên việc giải thể công ty hợp danh sẽ do tất cả các thành viên hợp danh quyết định, nếu một thành viên không đồng ý thì không đủ điều kiện để giải thể.
– Còn đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn (một thành viên và hai thành viên trở lên), việc giải thể công ty do Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty quyết định.
– Cuối cùng, đối với công ty cổ phần, có Đại hội đồng cổ đông là tập hợp tất cả các thành viên nắm giữ cổ phần của công ty – là chủ sở hữu công ty, nên việc giải thể công ty cổ phần sẽ thực hiện theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông (tỷ lệ thông qua quyết định thực hiện theo quy định của pháp luật).
– Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty, theo quy định doanh nghiệp có thể gia hạn thời gian hoạt động, nhưng không gia hạn mà muốn thực hiện giải thể doanh nghiệp (đây là giải thể tự nguyện, vì nếu không muốn, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền gia hạn thời gian hoạt động mà không bị giới hạn số lần gia hạn).
(2) Trường hợp buộc phải giải thể
Trong các trường hợp sau, doanh nghiệp buộc phải thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp, mặc dù không muốn hoặc chưa muốn giải thể:
– Doanh nghiệp buộc phải giải thể do không chuyển đổi loại hình doanh nghiệp trong thời hạn 6 tháng khi một hoặc nhiều thành viên rút ra khỏi doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp không đủ điều kiện về số lượng thành viên tối thiểu để hoạt động theo quy định.
Ví dụ: Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có tất cả 2 thành viên, 1 thành viên rút vốn khỏi doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp không làm thủ tục chuyển sang công ty TNHH 2 thành viên trong 6 tháng kể từ ngày thành viên rút vốn khỏi công ty, nên bắt buộc phải giải thể.
Công ty hợp danh yêu cầu phải có ít nhất 02 thành viên hợp danh, nhưng 1 thành viên rút ra khỏi công ty, trong vòng 6 tháng nếu công ty không chuyển loại hình doanh nghiệp thì sẽ buộc phải giải thể.
Pháp luật cho thời hạn 6 tháng ở đây không chỉ để doanh nghiệp thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, mà trong thời gian này, doanh nghiệp vẫn có thể kết nạp thêm các thành viên khác theo quy định để đáp ứng đủ điều kiện đối với loại hình doanh nghiệp hiện tại.
– Doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2014, nếu bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp buộc phải thực hiện thủ tục giải thể, trừ trường hợp doanh nghiệp khiếu nại về việc bị thu hồi thành công và không bị thu hồi nữa.
Trên đây chỉ là điều kiện cần, ngoài ra doanh nghiệp còn phải đáp ứng các điều kiện đủ nữa thì mới được giải thể. Theo đó, dù là giải thể tự nguyện hay là giải thể bắt buộc thì doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đã đáp ứng đủ các điều kiện giải thể sau đây:
– Bảo đảm đã thanh toán đủ các khoản nợ tiền lương nhân viên, tiền nợ đối tác, khách hàng,… và các nghĩa vụ tài sản khác (nếu có) như nghĩa vụ nộp lệ phí môn bài trong năm, nghĩa vụ thuế với nhà nước (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt,…),…
– Doanh nghiệp không phải là đương sự, bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan,… trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài (bao gồm tại Việt Nam, ở nước ngoài hay quốc tế).
Đối với trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải giải thể do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì người quản lý có liên quan và doanh nghiệp phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp (các khoản nợ tiền lương nhân viên, tiền nợ đối tác, khách hàng,… và các nghĩa vụ tài sản khác (nếu có)).
Thủ tục thực hiện giải thể doanh nghiệp đối với từng trường hợp giải thể sau khi đã đáp ứng đủ điều kiện giải thể thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp chứ không phải doanh nghiệp muốn giải thể là được ngay.
2. Trường hợp phá sản doanh nghiệp
Việc phá sản doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (đây là điều kiện tiên quyết), và doanh nghiệp chỉ được xem là phá sản khi có quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành.
Không giống như trường hợp giải thể doanh nghiệp, việc phá sản doanh nghiệp thường là bắt buộc. Vì pháp luật chỉ quy định “Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản” mà trong đó quyền là của chủ nợ, còn nghĩa vụ là của doanh nghiệp (chủ sở hữu/người quản lý doanh nghiệp) nên không thể nói là doanh nghiệp tự nguyện phá sản được.
Trong đó:
– Chủ nợ ở đây bao gồm các đối tác làm ăn, ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền, đối tác cho thuê,…, người lao động, công đoàn,… Nói dung là những chủ thể có quyền yêu cầu doanh nghiệp trả nợ.
– Doanh nghiệp chỉ bị coi là mất khả năng thanh toán nếu không thực hiện thanh toán cho các khoản nợ cho các chủ nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn trả (không phân biệt là doanh nghiệp đang có tiền hay không,…).
Việc doanh nghiệp có phá sản hay không sẽ căn cứ theo quyết định của Tòa án sau khi thụ lý giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp của các chủ nợ hoặc của chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn, chứ không phải doanh nghiệp quyết định là được ngay.
Căn cứ pháp lý: Luật Doanh nghiệp năm 2014; Luật Phá sản năm 2014.