Đầu tư tiền ảo có vi phạm pháp luật?
1. Tiền ảo, tiền mã hóa là gì?
– Tiền ảo là một dạng tiền kỹ thuật số không được kiểm soát, phát hành bởi chính phủ, mà được tạo ra và quản lý bởi các nhà phát triển. Loại tiền này được sử dụng, chấp nhận giữa các thành viên trong một cộng đồng ảo cụ thể. Tiền ảo chỉ có sẵn ở dạng điện tử và không ở dạng vật lý. Nó được lưu trữ và giao dịch chỉ thông qua phần mềm được chỉ định, ứng dụng di động, máy tính hoặc qua ví kỹ thuật số chuyên dụng và các giao dịch xảy ra qua Internet hoặc qua các mạng chuyên dụng an toàn. Tiền ảo được coi là một tập hợp con của nhóm tiền kỹ thuật số, cũng bao gồm tiền điện tử.
– Tiền mã hóa (Cryptocurrency) là một tài sản kỹ thuật số, có chức năng như một phương tiện trao đổi giá trị trong một hệ thống kinh tế ngang hàng. Tiền mã hóa sử dụng mật mã học để xác thực và bảo mật các giao dịch, kiểm soát việc tạo ra các đồng tiền mới. Tiền mã hóa được xếp vào nhóm phụ của tiền kỹ thuật số và cũng được xếp vào nhóm phụ của tiền ảo. Bitcoin là đồng tiền mã hóa phi tập trung đầu tiên trên thế giới được tạo ra năm 2009. Có nhiều đồng tiền mã hóa khác như Ethereum, Ripple, Litecoin, Stellar, Bitcoin Cash…, được gọi chung là Altcoin
2. Đầu tư tiền ảo có vi phạm pháp luật?
Theo Khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư 2020 có quy định các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh. Thực tiễn áp dụng pháp luật tại Việt Nam, các cá nhân, pháp nhân được thực hiện kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Mà ngành nghề kinh doanh tiền ảo không nằm trong danh mục bị cấm kinh doanh.
Như vậy, một dấu hỏi lớn được đặt ra, có thể kinh doanh được không?
Pháp luật hiện nay không thừa nhận tiền ảo là tiền tệ và là phương tiện thanh toán hợp pháp. Theo quy định tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Như vậy kinh doanh tiền ảo không nằm trong danh mục các hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm vì vậy các cơ quan chức năng vẫn chưa thể can thiệp pháp luật đối với các hành vi kinh doanh, đầu tư tiền ảo.
Tuy nhiên, dựa trên cơ sở tại Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện nay, Nhà nước chưa công nhận giao dịch bằng tiền ảo trên mạng Internet nên khi có tranh chấp thì có thể xem đây là giao dịch vô hiệu. Nói cách khác tại Việt Nam, việc kinh doanh tiền ảo đang ở mức “không cấm cũng không cho”. Việc sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật, còn đầu tư bitcoin thì vẫn chưa có quy định điều chỉnh. Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam. Bitcoin và một số loại tiền ảo khác là loại tài sản ảo, tiền số được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp. Do đó, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay chức năng như đồng tiền là vi phạm pháp luật. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.
Như đã đề cập ở trên, chúng ta chưa có một văn bản pháp luật cụ thể nào quy định về Tiền ảo. Điều đó tạo ra một khoảng cách giữa có hợp pháp hay không có hợp pháp về việc sử dụng tiền ảo. Pháp luật chỉ quy định về việc dùng tiền ảo để giao dịch, phương thức thanh toán này là bất hợp pháp. Do đó, sẽ không bất hợp pháp nếu việc kinh doanh tiền ảo không nhằm mục đích tạo gia đồng tiền để giao dịch, thanh toán mà nhằm tạo ra lợi nhuận thông qua đầu tư. Việc này cũng tạo ra rất nhiều biến tướng, những vụ việc gây tổn thất nghiêm trọng đến ngân sách quốc gia, những tội phạm đánh bạc qua Internet thất thoát hàng nghìn tỉ đồng.