Đầu tư forex có hợp pháp?

1. Rủi ro khi đầu tư forex

Về cơ bản, những người tham gia giao dịch Forex thường được gọi là traders. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, traders vừa vi phạm pháp luật về hoạt động ngoại hối, vừa không được pháp luật bảo vệ nếu có tranh chấp, xung đột xảy ra.

Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh hình thức sàn giao dịch vàng, ngoại hối. Do đó, mọi hình thức tổ chức kinh doanh, giao dịch sàn Forex sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, người có hành vi vi phạm về hoạt động ngoại hối có thể bị xử lý hành chính từ phạt cảnh cáo đến 30 triệu đồng

Nhằm lách luật, nhiều công ty núp bóng sàn giao dịch nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất cao để lừa đảo. Bởi vậy, người tham gia “chơi Forex” được xem là tiếp tay cho hoạt động phi pháp.

Bản chất của việc giao dịch ngoại hối là sự tương tác giữa người đầu tư và chủ sàn diễn ra hoàn toàn trên không gian mạng nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn về tài chính cho người tham gia. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không tham gia các sàn Forex trái phép.

Bên cạnh đó, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là bất hợp pháp. Do đó, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân khi thực hiện đầu tư bằng hình thức tiền ảo.

“Đặc biệt, tuyệt đối không chuyển tiền, tham gia các hội nhóm liên quan đến sàn giao dịch tiền ảo, Forex do nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tự lập để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự”, Công an Hà Nội khuyến cao.

2. Mức xử phạt với các hành vi liên quan:

Điều 23 Nghị định 88/2019 quy định về “Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối” đối với những chủ thể tham gia giao dịch sẽ tùy vào từng trường hợp sẽ có những mức phạt vi phạm cụ thể từ cảnh cáo đến mức phạt cao nhất lên tới 250 triệu đồng cùng những hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

Điều 26 trong cùng Nghị định trên quy định về “Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán” khi lấy tiền ảo làm công cụ thanh toán, giao dịch tiền ảo với mức phạt lên đến 200 triệu đồng cũng có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đấy, theo quy định tại điểm g, khoản 1, điều 206 Bộ luật hình sự 2015 nếu gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu thiệt hại lớn hơn tùy theo từng trường hợp sẽ áp dụng các khoản khác của điều này.

Và cũng kèm theo những thiệt hại khác và những tình tiết của từng trường hợp riêng biệt mà người chơi có thể chịu những hình phạt vi phạm khác theo những luật liên quan.

Do vậy, không chỉ có thể xảy ra những thiệt hại cho chính bản thân và những người thân xung quanh khi tham gia kinh doanh, giao dịch ngoại hối, tiền ảo khi sàn giao dịch gặp rủi ro mà còn có thể đưa chính bản thân mình vào những “vòng xoáy pháp luật”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *