Đặc điểm tâm lý tư pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi
Người bị hại dưới 18 tuổi là tất cả những người ở mọi độ tuổi dưới 18 mà không phải chỉ ở độ tuổi 14 – 18 như đối với người bị buộc tội. Người dưới 18 tuổi dễ bị tội phạm xâm hại, dễ bị đưa đến nguy cơ nạn nhân hóa do sức khỏe, khả năng tự bảo vệ bản thân còn hạn chế, do ngây thơ, cả tin, thiếu hiểu biết xã hội. Khi bị tội phạm xâm hại, họ có nguy cơ bị tổn thương cao hơn (cho rằng tổn thất mình phải gánh chịu là quá lớn, xã hội quá bất công, cuộc đời quá bất hạnh, người lớn quá vô tâm, một số bị hại dưới 18 tuổi lại có diễn biến tâm lý tiêu cực theo chiều hướng tự đổ lỗi cho bản thân, tự oán trách bản thân) hoặc ngược lại chưa ý thức được về tổn thất mà mình đã trải qua hoặc những hậu quả mà mình sẽ phải gánh chịu trong những giai đoạn sắp tới của cuộc đời.
(i) Đặc điểm tâm lý của người dưới 18 tuổi bị xâm hại: Người dưới 18 tuổi bị xâm hại là nạn nhân của các hành vi bạo lực, lạm dụng tình dục hoặc đe dọa tâm lý làm tổn thương về thể xác và tinh thần, trí tuệ (người chưa thành niên bị xâm hại là nạn nhân trong từng điều luật cụ thể). Đặc điểm cơ bản của người dưới 18 tuổi bị xâm hại nói chung bao gồm:
– Bị tổn thương về thể xác, đau đớn về cơ thể, hành vi xâm hại làm cho cơ thể hoặc một bộ phận của cơ thể hoạt động không bình thường, sự tổn hại đó được thể hiện ra bên ngoài như: Vết bầm tím, vết xây xước, vết hằn, sẹo… mắt thường có thể nhận biết được.
– Bị tổn thương về mặt tin thần: Bị chấn động mạnh về mặt tinh thần thể hiện ra bên ngoài bằng những hành vi: hoảng sợ, lo lắng căng thẳng, trầm uất, luôn bị ám ảnh về các hành vi đã gây ra tổn thương cho các em; lo lắng, sợ hãi khi nhớ lại sự việc hoặc gặp lại, nhìn thấy người lạ có hình dáng, đặc điểm, thái độ, động tác như kẻ đã gây ra sự việc đối với các em; sợ tiếp xúc với cha mẹ, người lạ, thường xuyên có những ác mộng khi ngủ… và có các hành vi không bình thường trong cuộc sống so với những đứa trẻ bình thường cùng lứa tuổi, đều có thể nhận biết được.
Những dấu hiệu về trạng thái tinh thần và thái độ thường thấy ở người dưới 18 tuổi bị xâm hại hoặc bị ngược đãi như: Tỏ ra đau khổ và buồn thảm khi thấy những đứa trẻ khác khóc lóc; hung hãn và có thái độ tiêu cực, phủ nhận; sợ bố mẹ và những người lớn khác; đứng ngồi không yên, có những thói quen bừa bãi, vô tổ chức; hay cắn móng tay, thậm chí đái dầm, từ chối và không muốn hợp tác….
(ii) Đặc điểm tâm lý của người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục: Trong nhóm tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm con người, các tội danh liên quan đến xâm phạm tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm, sinh lý của người bị hại. Trong thời gian gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam có xu hướng gia tăng và để lại những hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Khi tham gia vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, tiếp xúc với bị hại, chúng ta cần lưu ý một số đặc điểm tâm lý của bị hại là trẻ em bị xâm hại tình dục, cụ thể như:
– Trẻ bị xâm hại tình dục thường có cảm giác xấu hổ và tội lỗi, trẻ tự đổ lỗi cho bản thân mình về những gì đã xảy ra với trẻ và có cảm giác xấu hổ vì mình là nạn nhân. Từ tâm lý xấu hổ, mặc cảm tội lỗi này sẽ ngăn cản việc trẻ khai báo, trình bày lại sự việc với luật sư cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Hiểu được trạng thái tâm lý trẻ em như vậy, giúp luật sư tìm hiểu thêm về tâm lý trẻ em và diễn biến tâm lý của trẻ để có phương pháp tiếp xúc, trao đổi và kế hoạch bảo vệ tốt nhất cho các em.
– Trẻ tự ti và nhút nhát không tin tưởng vào bản thân, người khác và môi trường xung quanh. Trẻ mất khả năng chia sẻ cảm xúc và vật chất của mình với người khác, do đó, sẽ thiếu sự hợp tác trong quá trình làm việc với luật sư cũng như cơ quan bảo vệ pháp luật. Với đặc điểm tâm lý này, trẻ thường có độ lì cao độ, không nói và không trả lời, không nghe. Trạng thái này không thuộc dạng chống đối bất hợp tác mà quá tự ti dẫn đến không thể hợp tác được.
– Trẻ thể hiện nhiều hành vi tự hủy hoại bản thân khác nhau như tự gây ra tai nạn cho mình, cố tình để bị đau ốm, đến việc có hành vi cố gắng tự sát… Đây là cách để trẻ thoát khỏi cảm nhận không tốt về bản thân. Dạng tâm lý này còn được gọi là tâm lý của dạng tự kỷ, trầm cảm, nên thường có những hành vi hành hạ bản thân mới thấy mình đỡ xấu hổ, tủi nhục. Hiểu được trạng thái tâm lý bất ổn này, giúp luật sư có phương án tiếp cận và đưa trẻ ra khỏi trạng thái đó, an ủi và động viên kịp thời giúp trẻ bình tĩnh và hợp tác với luật sư.
– Trẻ coi các đối tượng xung quanh gắn liền với mối đe dọa, sự sợ hãi, với nguy cơ sẽ bị đối xử tồi tệ dưới hình thức này hay hình thức khác. Một trong những biểu hiện lớn nhất của rối loạn tinh thần ở trẻ bị xâm phạm tình dục là sự khó khăn trong giao tiếp với mọi người xung quanh, kể cả người lớn và bạn bè cùng trang lứa. Thường gặp trạng thái tâm lý này ở trẻ em có nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, như trẻ em lang thang đường phố, trẻ mồ côi, trẻ em bị lạm dụng tình dục hoặc sức lao động…
– Trẻ có phản ứng bốc đồng, hiếu chiến, ngang bướng do bắt chước hành vi của kẻ xâm hại, có thể lặp lại hành động tình dục đó với trẻ khác… Những điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với bạn bè do vậy càng làm cho trẻ thêm tự ti, tự hạ thấp giá trị bản thân;
– Trẻ thường có tâm lý bực tức, căng thẳng điều này có thể ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phục hồi và cuộc sống sau này của trẻ;
– Trẻ thụ động, tránh né mọi khả năng phải đối đầu, hoàn toàn phục tùng và nghe lời của người khác, lựa chọn thái độ quá cẩn trọng trong mọi việc, luôn tỏ ra cần sự bảo vệ để tránh mọi rắc rối, nhạy cảm với những lời phê bình, không tự nhiên, thiếu tự tin;
– Trẻ có thể có biểu hiện rối loạn hành vi. Mức độ bị xâm hại tình dục có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các em và những biểu hiện rối loạn hành vi mỗi em cũng khác nhau;
Ngoài ra, bị hại là người dưới 18 tuổi có những đặc điểm tâm lý khác như: (i) Căm tức kẻ phạm tội: Do bị thiệt hại trực tiếp về thể chất, tinh thần bởi tội phạm, do đó, bị hại luôn mong muốn chủ thể tội phạm phải bị trừng phạt thật nặng; (ii) Có tâm lý dễ bị kích động, giảm khả năng kiềm chế cảm xúc.
Sự thiệt hại về thể chất, tinh thần hay tài sản đều có tác động rất mạnh tới trạng thái thần kinh – tâm lý của bị hại dẫn đến việc suy giảm khả năng kiềm chế cảm xúc. Có những trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý (sợ hãi, suy nhược về tinh thần và thể chất, rối loạn tâm thần và hành vi) do tác động bởi hành vi phạm tội gây ra. Vì vậy, khi tiếp xúc với luật sư, phần lớn bị hại thuộc trường hợp này khi yêu cầu cung cấp các thông tin về vụ việc mà họ phải trải qua thì có thể xuất hiện sự xúc động, hoảng loạn cảm xúc và hành vi. Do đó, họ không thể tự mình cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về vụ việc. Tâm lý lo sợ khiến bị hại rơi vào trạng thái bất hợp tác, từ chối khai báo: Lý do từ chối khai báo có thể do bị hại có quan hệ đặc biệt với kẻ phạm tội, do đó, có tâm lý không muốn người thân bị trừng phạt, có thể do bị hại có tâm trạng xấu hổ (trong những vụ án bị hại bị kẻ phạm tội xâm hại tình dục nên không muốn những người khác biết), hoặc người bị hại lo sợ sự khai báo sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc hoặc làm lộ những điều bí mật về đời tư hoặc tội lỗi khác của họ. Trong những trường hợp bị hại bị hành vi phạm tội xâm hại khi đang có hành vi phạm tội khác hoặc khi đang có hành vi không trong sáng, nếu thiệt hại đối với họ không quá lớn, họ thường từ chối khai báo (bị đánh, cướp tài sản khi đang thực hiện hành vi phi đạo đức, khi đang có hành vi trái pháp luật, tài sản bị mất là tài sản do hành vi phạm pháp mà có…). Vì vậy, khi tiếp xúc với bị hại thuộc dạng này phải tế nhị, không hỏi về các tình tiết diễn biến cụ thể, khi tiếp xúc phải xác định chính xác nguyên nhân tâm lý cản trở sự khai báo của họ để lựa chọn cách thức bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ.
TS. Nguyễn Văn Lai
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật