Đặc điểm tâm lý tư pháp của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi là người ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, đây là độ tuổi có đầy đủ các đặc tính sinh học, xã hội và bước đầu phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về một số tội phạm nhất định (từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi) và phải chịu TNHS hầu hết các tội phạm (từ đủ 16 tuổi). Khi tham gia tố tụng, người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng thường có tâm lý sợ hãi, e dè, không dám bộc lộ hết suy nghĩ và mong muốn của bản thân. Về phía người bị buộc tội, một số người dưới 18 tuổi cố tỏ ra bất chấp, bất cần, coi thường người tiến hành tố tụng để che dấu sự sợ hãi bên trong. Có trường hợp lại từ chối tiếp xúc với cha mẹ, người đại diện hợp pháp, đại diện của nhà trường vì mặc cảm, sợ bị lên án, trách mắng. Do kiến thức xã hội hạn chế, kinh nghiệm sống chưa nhiều, người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng chưa có nhận thức thức đầy đủ về các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, chưa có ý thức thực hiện các quyền của bản thân và yêu cầu các chủ thể khác tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp mà người dưới 18 tuổi được hưởng. Người dưới 18 tuổi cũng chưa biết cách để tự bảo vệ mình trước những tác động mà quá trình tố tụng hình sự đưa lại. Do đó, họ được bảo vệ bằng các quy định đặc thù của pháp luật nói chung, bằng các quy định riêng của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Thi hành án hình sự phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm dễ bị tổn thương của lứa tuổi.

Theo Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên trước đây, thì “người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án, do đó, tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân mà họ cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng hình sự”.

Thứ nhất, đối với người bị bắt, người bị tạm giữ dưới 18 tuổi biểu hiện của đặc điểm tâm lý là: (i) Tâm trạng hoang mang, lo lắng, bất an; (ii) Trạng thái hay quan sát, thăm dò, đánh giá người bào chữa trong lần tiếp xúc đầu tiên.

Thứ hai, đối với bị can dưới 18 tuổi đặc điểm tâm lý biểu hiện: Ngoài những đặc điểm tâm lý chung của người bị bắt, người bị tạm giữ dưới 18 tuổi, bị can dưới 18 tuổi có những đặc điểm tâm lý riêng như: (i) Có khả năng miêu tả chính xác các dấu hiệu cơ bản của sự việc, hiện tượng nói chung và sự việc do mình và đồng phạm gây ra nói riêng; (ii) Có khả năng lắng nghe cao nhưng sự chú ý thấp, thiếu tri thức và kinh nghiệm nói chung, khả năng phân tích chưa sâu sắc; (iii) Trong quá trình tri giác và đánh giá những gì đã tri giác được có sự pha trộn giữa sự thật, trí tưởng tượng, hay xúc động trong quá trình tri giác và hoạt động; (iv) Cảm giác, ấn tượng thường xảy ra theo dòng dẫn đến có sự lẫn lộn những gì đã tri giác được; (v) Bị can người dưới 18 tuổi là nam giới thường muốn tỏ ra mình là người lớn, độc lập và tự chủ trong hành động của mình; (vi) Trong quá trình tham gia tố tụng bị can  dưới 18 tuổi có thể sử dụng những thuật ngữ, khái niệm của người lớn nhưng thực tế lại không hiểu bản chất và hiểu sai nghĩa sử dụng; (vii) Nhiều trường hợp bị can chưa thành niên khai tô vẽ hoặc thay đổi lời khai do bị tác động, căn vặn của điều tra viên hoặc luật sư.

Có thể nói, những đặc điểm tâm lý nào và  xuất hiện ra sao ở bị can dưới 18 tuổi phụ thuộc vào hoàn cảnh phạm tội cụ thể, hoàn cảnh bị bắt cũng như việc bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hậu quả của tội phạm và sự cảm nhận của họ về tính nghiêm trọng của tội phạm và trách nhiệm pháp lý của họ.

Thứ ba, đối với bị cáo dưới 18 tuổi đặc điểm tâm lý biểu hiện như sau: Đặc điểm tâm lý của bị cáo dưới 18 tuổi trong hoạt động xét hỏi tại phiên tòa rất đa dạng tùy thuộc vào công việc; trình độ học vấn; lần đầu phạm tội hay nhiều lần phạm tội; tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội;…  song có thể khái quát một số đặc điểm tâm lý phổ biến của bị cáo như sau:

So với các giai đoạn tố tụng trước đó, ngoài những đặc điểm tâm lý của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can phân tích ở trên, với tư cách là bị cáo ở giai đoạn xét xử có tâm lý mang tính ổn định hơn, không còn bỡ ngỡ với hoạt động tố tụng như ở giai đoạn điều tra. Khi tham gia phiên tòa, bị cáo nói chung và bị cáo dưới 18 tuổi nói riêng thường có tâm lý căng thẳng, hoạt động tư duy của bị cáo diễn ra với tốc độ cao theo các diễn biến tại phiên tòa. Nhiều bị cáo có thể rơi vào trạng thái bão hòa cảm xúc; đó là trạng thái tâm lý của con người bị mất tính nhạy cảm đối với kích thích, mất khả năng phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt. Đối với bị cáo khi tham dự phiên tòa, hiện tượng bão hòa cảm xúc có thể xảy ra như là hệ quả của trạng thái tâm lý căng thẳng quá mức kéo dài trong suốt các giai đoạn của hoạt động tố tụng từ giai đoạn điều tra cho đến giai đoạn xét xử tại tòa. Ngoài ra, các yếu tố khác dẫn đến hiện tượng bão hòa cảm xúc ở bị cáo bao gồm diễn biến tại phiên tòa không đúng như kỳ vọng của bị cáo; tác động của dư luận xã hội mạnh mẽ, điều kiện sức khỏe, biến cố gia đình; chứng kiến sự đau khổ của người thân tại tòa… Khi bị rơi vào trạng thái bão hòa cảm xúc, bị cáo sẽ có ứng xử tại phiên tòa một cách máy móc, kém tinh nhạy và sáng suốt, do đó, không trình bày được một cách thuyết phục những vấn đề có liên quan đến vụ án; không trả lời được một cách logic, rõ ràng và mạch lạc các câu hỏi của những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa đặt ra.

Trong các phiên tòa xét xử đối với người dưới 18 tuổi có những biểu hiện tâm lý trái ngược nhau: Có bị cáo ở phiên tòa thì tỏ ra sợ hãi, hối hận đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình, song ngược lại thì cũng có những bị cáo tỏ vẻ “chất anh hùng” của mình, bất cần, không chút sợ hãi, thậm chí có hành vi cố tình cười cợt… thể hiện sự hạn chế trong nhận thức về pháp luật, nhận thức không đầy đủ hoặc phiến diện về chuẩn mực đạo đức. 

TS. Nguyễn Văn Lai

Trường Đại học Cảnh sát nhân dân

Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *