Cơ cấu tổ chức HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

I. Cơ cấu tổ chức của HĐND tỉnh

1. HĐND tỉnh gồm các đại biểu HĐND do cử tri ở tỉnh bầu ra.

Việc xác định tổng số đại biểu HĐND tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

– Tỉnh miền núi, vùng cao có từ năm trăm nghìn dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên năm trăm nghìn dân thì cứ thêm năm mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bảy mươi lăm đại biểu;

– Tỉnh không thuộc trường hợp trên có từ một triệu dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm bảy mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu.

2. Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND tỉnh. Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

3. HĐND tỉnh thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế – ngân sách, Ban văn hóa – xã hội; nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban dân tộc.

Ban của HĐND tỉnh gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của HĐND tỉnh do HĐND tỉnh quyết định. Trường hợp Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban. Phó Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

II. Cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố trực thuộc trung ương

1. HĐND thành phố trực thuộc trung ương gồm các đại biểu HĐND do cử tri ở thành phố trực thuộc trung ương bầu ra.

Việc xác định tổng số đại biểu HĐND thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

– Thành phố trực thuộc trung ương có từ một triệu dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm sáu mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu;

– Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được bầu chín mươi lăm đại biểu.

2. Thường trực HĐND thành phố trực thuộc trung ương gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp Chủ tịch HĐND thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

3. HĐND thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế – ngân sách, Ban văn hóa – xã hội, Ban đô thị.

Ban của HĐND thành phố trực thuộc trung ương gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên, số lượng Ủy viên của các Ban của HĐND do HĐND thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Trường hợp Trưởng ban của HĐND thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của HĐND thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban. Phó Trưởng ban của HĐND thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

4. Các đại biểu HĐND thành phố trực thuộc trung ương được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu HĐND. Số lượng Tổ đại biểu HĐND, Tổ trưởng và Tổ phó của Tổ đại biểu HĐND do Thường trực HĐND thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *