Chứng minh tính tản quyền trong cải cách nhà nước của Lê Thánh Tông

1. Tản quyền là gì?

Tản quyền có nghĩa là một công việc không tập trung vào một cơ quan, một chức quan mà sẻ chia cho nhiều cơ quan, nhiều chức quan cùng đảm trách. Mỗi cơ quan, mỗi chức quan là đảm nhiệm một nhiệm vụ, một lĩnh vực nhất định và hoạt động độc lập.

2. Mục đích của tản quyền

Tránh tập trung quyền hạn vào một cơ quan, một chức quan, tránh tình trạng ôm đồm bao biện, tránh tình trạng lạm quyền đe dọa tới sự ổn định nhà nước.

3. Yêu cầu của tản quyền

Giới hạn quyền hạn, chức năng nhiệm vụ, đề cao vai trò trách nhiệm của từng cá nhân.

4. Biểu hiện tính tản quyền

a. Thứ nhất, Tính tản quyền thể hiện trước hết ở các cơ quan trung ương

Tính tản quyền thể hiện rõ nhất ở việc xóa bỏ các cơ quan trung gian và thành lập ra các cơ quan mới: 6 bộ, 6 tự, 6 khoa, đảm trách những công việc cụ thể, thể hiện tính chuyên môn hóa, trong đó vai trò giải quyết các công việc hành chính của triều đình được chủ yếu giao cho 6 bộ.

Tách 6 bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công) ra khỏi Thượng thư sảnh để lập 6 cơ quan riêng cai quản các mặt hoạt động của nhà nước. Mỗi bộ có một Thượng thư phụ trách, chịu trách nhiệm trước Nhà Vua.

Những công việc lặt vặt chuyên trách trong bộ thì giao cho các Thanh lại ty, có quan Lang trung trông coi và quan viên Ngoại lang giúp việc.

Ví dụ: Để công việc bộ Lại được điều hòa nhanh chóng và phân minh, những công việc ó tính cách chuyên môn như thuyên chuyển tuyển bổ và khảo sát quan lại được trao cho một cơ quan đặc trách là Thuyên khảo Thanh lại ty.

Còn những công việc thường nhật của bộ thì giao cho Tư vụ sảnh, có quan tư vụ đứng đầu.

Ví dụ: Nhiệm vụ của bộ Hộ: Coi sóc ruộng đất, tài chính, nhân khẩu, tô thuế, kho tàng, thóc tiền và lương của quan quân.

Riêng bộ Hộ và bộ Hình còn thêm Chiếu ma sở có quan Chiếu ma phụ trách việc ghi chép văn thư vào sổ.

Tuy nhiên, công việc của 6 bộ rất nhiều, có nhiều công việc không thể đảm trách hết được, do đó vua Lê Thánh Tông lập ra 6 tự phụ trách công việc phụ của 6 bộ. Điều đáng lưu ý là 6 tự (Đại lý tự, Thái thường tự, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự, Thường bảo tự) là cơ quan độc lập với 6 bộ và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua.

Phụ trách ở mỗi tự có chức quan Tự khanh trật Chánh ngũ phẩm và phụ giúp là quan Thiếu khanh Chánh lục phẩm.

Để bảo đảm 6 bộ hoạt động có hiệu quả, các quan lại có trách nhiệm hơn thì vua Lê Thánh Tông thành lập ra 6 khoa (Lại khoa, Hộ khoa, Lễ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Công khoa) có chức năng giám sát tương ứng với 6 bộ. Quan phụ trách cao nhất của mỗi khoa là quan Đô cấp sự trung với trật Chánh nhất phẩm, dưới là quan Chấp sự trung trật Chánh bát phẩm. Lục khoa không phải là cơ quan cấp dưới của Lục bộ mà là cơ quan giám sát Lục bộ và báo cáo trực tiếp lên Vua, cho nên mặc dù quan phụ trách ở khoa tuy phẩm trật không lớn nhưng rất có thực quyền.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn khác được cải cách phù hợp với chức năng nhiệm vụ tương ứng với một đối tượng, và đảm trách từng công việc cụ thể hơn.

Từ sự cách cải theo nguyên tắc tản quyền như đã nêu trên ta thấy có nhiều cơ quan mới được thành lập những bộ máy nhà nước trung ương trở nên tinh gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn; nhiều chức quan mới xuất hiện tuy phẩm trật khác nhau nhưng thực quyền như nhau và có trách nhiệm hơn.

b. Thứ hai là tính tản quyền trong cải cách chính quyền ở địa phương.

Tính tản quyền thể hiện ở việc thành lập 13 đạo để thu hẹp quyền hành của chính quyền địa phương và xóa bỏ một số đơn vị trung gian.

Chính trong việc tổ chức mỗi đạo cũng thể hiện tính tản quyền rõ nét.

Lê Thánh Tông đã cho cải tổ việc quản lý địa phương bằng cách trao quyền phụ trách ở một đạo cho 3 cơ quan:

Thừa ty: phụ trách các công việc thuộc lĩnh vực hành chính, tài chính, dân sự.

Đô ty: phụ trách quân sự.

Hiến ty có chức năng giám sát các công việc trong đạo để tâu lên vua.

Chức quan đứng đầu mỗi cơ quan đảm trách công việc phù hợp với chức năng và trình độ của mình. Ví dụ: Tổng binh xuất thân từ hàng võ, không hiểu chữ nghĩa mà kiêm giữ hai chức sẽ trở ngại cho việc quân ngũ và việc chính trị, vậy

Tông binh chỉ nên chuyên về việc binh.

Để bảo đảm trách nhiệm của từng cá nhân, thì công tác thanh tra giám sát ở các địa phương cũng được chú trọng. Vua Lê Thánh Tông cho đặt Giám sát ngự sử ở 13 Đạo làm nhiệm vụ theo dõi, giúp đỡ các Hiến ty, giám sát đàn hoặc các hành vi sai trái của quan lại các thừa tuyên, phủ, huyện. Đồng thời Lê Thánh tông cũng quy định rõ chức trách của các quan Giám sát ngự sử.

Ngoài ra, tính tản quyền còn thể hiện rất rõ ở cấp xã.

Chia tách và quy định rõ rõ từng loại xã và người đứng đầu của từng xã.

Bỏ chế độ xã quan và đổi thành xã trưởng. Phân định rõ số lượng xã trưởng cho từng loại xa: đại xã thì dùng 5 người, trung xã thì dùng 4 người, xã nhỏ thì 2 người và nhỏ dưới 60 hộ thì một người. Quy định rõ về người làm xã trưởng: không cho phép những người là anh em ruột, anh em con chú, bác, cô, cậu, dì già cùng làm xã trưởng. Trong bộ máy chính quyền xã gồm các chức: xã trưởng, xã sử, xã tư. Mỗi chức vụ có một nhiệm vụ riêng biệt. Mỗi xã có thêm nhiều thông nên có thêm chức trưởng thôn để cùng xã trưởng giải quyết công việc.

Nguyên tắc tản quyền ở địa phương mục đích tránh tình trạng cát cứ địa phương ảnh hưởng đến chính quyền trung ương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *