Chủ sở hữu nhãn hiệu có những quyền gì?

Các cá nhân, tổ chức khi đăng ký nhãn hiệu được cơ quan có thẩm quyền xem xét nhãn hiệu đáp ứng đủ điều kiện bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu nhãn hiệu. Khi đó, chủ sở hữu nhãn hiệu có độc quyền sử dụng nhãn hiệu gắn với hàng hóa, dịch vụ của mình. Chủ sở hữu của nhãn hiệu có các quyền đối với nhãn hiệu theo Điều 123 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005), cụ thể:

–  Thứ nhất, quyền sử dụng nhãn hiệu là quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; quyền lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ trên thị trường; quyền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ theo Khoản 5 Điều 124 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005);

Thứ hai, quyền cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Theo đó, chủ sở hữu có quyền cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ theo hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu, là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác theo Khoản 1 Điều 138 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005) hoặc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình theo Khoản 1 Điều 141 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005);

Thứ ba, quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu theo quy định tại Điều 125 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005). Do nhãn hiệu có công dụng dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của người khác trên thị trường. Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền ngăn cấm người khác sử dụng những nhãn hiệu gắn với hàng hóa, dịch vụ cùng loại có tính tương tự hoặc trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ của mình, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi đưa ra thị trường. Quyền này cũng cho phép chủ sở hữu có thể phản đối bất kỳ bên thứ ba nào sử dụng nhãn hiệu của mình cho các hàng hoá trùng/ tương tự hoặc cùng kênh tiêu thụ để người tiêu dùng không bị nhầm lẫn.

Thứ tư, quyền định đoạt nhãn hiệu. Nhãn hiệu được được coi là một loại tài sản đặc biệt và là một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp khả năng khai thác thương mại rất lớn, đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho chủ sở hữu. Quyền này có nghĩa là chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

Tóm lại, quyền sở hữu nhãn hiệu là quyền tài sản đối với nhãn hiệu của chủ sở hữu theo quy định tại Điều 115 (Bộ luật dân sự 2015). Khi chủ sở hữu nhãn hiệu có được độc quyền đối với nhãn hiệu gắn với hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh trên thị trường thì có đầy đủ các quyền liên quan như quyền chiếm hữu, quyền định đoạt và quyền sử dụng. Từ đó sẽ giúp chủ sở hữu nhãn hiệu có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn trước các đối thủ trên thương trường cũng như bảo vệ được tối đa nhãn hiệu mà mình đã xây dựng cho hàng hóa, dịch vụ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *