Chủ nghĩa duy vật trong triết học là gì?

Triết học là phạm trù vô cùng rộng lớn, và chủ nghĩa duy vật là một trong những khái niệm được đề cập đến nhiều nhất hiện nay. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc nắm được cơ bản về khái niệm của chủ nghĩa duy vật.

1/ Chủ nghĩa duy vật là gì?

Chủ nghĩa duy vật là một trong những trường phái triết học lớn trong lịch sử, bao gồm trong đó toàn bộ các học thuyết triết học được xây dựng trên lập trường duy vật trong việc giải quyết vấn để cơ bản của triết học. Chủ nghĩa duy vật khẳng định rằng vật chất là tính thứ nhất, ý thức hay tinh thần chỉ là tính thứ hai; bản chất của tồn tại này là vật chất cũng tức là thừa nhận và minh chứng rằng: suy đến cùng, bản chất và cơ sở của mọi tồn tại trong thế giới tự nhiên và xã hội chính là vật chất.

2/ Các hình thức của chủ nghĩa duy vật

– Chủ nghĩa duy vật: được thể hiện dưới ba hình thức cơ bản: chủ nghĩa duy vật chất phác, chủ nghĩa duy vật siêu hình và chủ nghĩa duy vật biện chứng.

+ Chủ nghĩa duy vật chất phác là kết quả nhận thức của các nhà triết học duy vật thời Cổ đại. Chủ nghĩa duy vật thời kỳ này thừa nhận tính thứ nhất của vật chất nhưng đồng nhất vật chất với một hay một số chất cụ thể của vật chất và đưa ra những kết luận mà về sau người ta thấy mang nặng tính trực quan, ngây thơ, chất phác. Tuy hạn chế do trình độ nhận thức thời đại về vật chất và cấu trúc vật chất, nhưng chủ nghĩa duy vật chất phác thời Cổ đại về cơ bản là đúng vì nó đã lấy bản thân giới tự nhiên để giải thích thế giới, không viện đến Thần linh, Thượng đế hay các lực lượng siêu nhiên.

+ Chủ nghĩa duy vật siêu hình là hình thức cơ bản thứ hai trong lịch sử của chủ nghĩa duy vật, thể hiện khá rõ ở các nhà triết học thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII và điển hình là ở thế kỷ thứ XVII, XVIII. Đây là thời kỳ mà cơ học cổ điển đạt được những thành tựu rực rỡ nên trong khi tiếp tục phát triển quan điểm chủ nghĩa duy vật thời Cổ đại, chủ nghĩa duy vật giai đoạn này chịu sự tác động mạnh mẽ của phương pháp tư duy siêu hình, cơ giới – phương pháp nhìn thế giới như một cỗ máy khổng lồ mà mỗi bộ phận tạo nên thế giới đó về cơ bản là ở trong trạng thái biệt lập và tĩnh tại. Chủ nghĩa duy vật siêu hình tuy chưa phản ứng đúng hiện thực trong mỗi liên hệ phổ biến và sự phát triển nhưng đã góp phần không nhỏ vào việc chống lại thế giới quan duy tâm và tôn giáo, nhất là giai đoạn lịch sử chuyển tiếp từ thời Trung cổ sang thời Phục Hưng ở các nước Tây Âu.

+ Chủ nghĩa duy vật biện chứng là hình thức cơ bản thứ ba của chủ nghĩa duy vật, do C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng vào những năm 40 của thế kỷ XIX, sau đó được V.I.Lênin phát triển. Với sự kế thừa tinh hoa của các học thuyết triết học trước đó và sử dụng khá triệt để thành tựu của khoa học đương thời, chủ nghĩa duy vật biện chứng, ngay từ khi mới ra đời đã khắc phục được hạn chế của chủ nghĩa duy vật chất phác thời Cổ đại, chủ nghĩa duy vật siêu hình và là đỉnh cao trong sự phát triển của chủ nghĩa duy vật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *