Cách giảm chi phí đóng BHXH đúng luật để tối ưu hóa lợi nhuận

Người lao động và doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí,… khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Hằng tháng, người lao động và doanh nghiệp sẽ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo một tỷ lệ nhất định mà pháp luật đã quy định, cụ thể như sau:

– Đối với người lao động trong nước:

+ Người lao động sẽ đóng 10,5% mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

+ Doanh nghiệp sẽ đóng 21,5% quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

– Đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam:

+ Người lao động sẽ đóng 1,5% mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

+ Doanh nghiệp sẽ đóng 6,5% quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Trong đó, có thể xác định quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động hàng tháng à tổng mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động tại doanh nghiệp.

Ví dụ: Doanh nghiệp có 15 lao động, mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của mỗi người lao động tại doanh nghiệp là 6.000.000 đồng, thì quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động hàng tháng tại doanh nghiệp là 90.000.000 đồng.

Mà theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Như vậy, để giảm chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và doanh nghiệp thì phải giảm được mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, từ đó sẽ giảm được quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động hàng tháng.

Mà mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác của người lao động hiện nay sẽ được xác định theo quy định tại Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015. Theo đó, quy định:

– Mức lương của người lao động sẽ được xác định như thế nào? – Khoản 1 Điều 4.

– Các khoản phụ cấp lương sẽ bao gồm các khoản phụ cấp nào? – Khoản 2 Điều 4.

– Các khoản bổ sung khác là các khoản nào? – Khoản 3 Điều 4.

Trong đó, các khoản phải đóng bảo hiểm xã hội và các khoản sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội sẽ được xác định như sau:

(1) Các khoản phải đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:

+ Mức lương quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 47.

+ Phụ cấp lương quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 47.

+ Các khoản bổ sung khác quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 47.

(2) Các khoản không phải đóng bảo hiểm xã hội bao gồm các khoản còn lại:

+ Các khoản phụ cấp lương quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 47.

+ Các khoản bổ sung khác quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 47.

Như vậy: Để giảm chi phí đóng bảo hiểm xã hội, thì doanh nghiệp cần phải tối ưu được các khoản thu nhập phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và các khoản không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động kể trên, từ đs có thể tối ưu hóa được lợi nhuận của doanh nghiệp từ việc giảm được chi phí kể trên.

Xem quy định chi tiết tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Thông tư số 47 kể trên, Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam để biết chi tiết các khoản thu nhập.

Lưu ý: Nội dung trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị pháp lý.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *