Cách ghi căn cứ pháp lý “đúng chuẩn” khi làm bài thi Luật

Một trong các nội dung quan trọng khi làm bài thi Luật đất đai, Luật hành chính, Luật lao động, Luật thương mại, Luật doanh nghiệp,… là tìm căn cứ pháp lý cho các câu nhận định Đúng – Sai; hoặc là tìm căn cứ pháp lý cho phần bài tập trong đề thi.

Nhưng để ghi căn cứ pháp lý vào bài thi như thế nào cho hợp lý, cho đúng chuẩn và tạo được thiện cảm nhất với người chấm bài (giảng viên) thì không hề dễ dàng. Hiện nay, vẫn chưa có sự thống nhất về cách ghi căn cứ pháp lý khi làm các bài thi, bài kiểm tra của các môn Luật tại trường Luật.

Có một số trường hợp giảng viên sẽ yêu cầu sinh viên khi làm bài thi của một môn luật (ví dụ như môn luật mà giảng viên đó đang hướng dẫn và sẽ chấm bài thi chẳng hạn) cần phải ghi căn cứ pháp lý trong theo một nguyên tắc nhất định mà giảng viên đó cho hợp lý nhất.

Tuy nhiên, nếu trường hợp giảng viên không có yêu cầu, không có hướng dẫn cụ thể cách ghi căn cứ pháp lý, thì sinh viên làm thế nào để ghi căn cứ pháp lý môt cách đúng chuẩn nhất và gây thiện cảm được với người chấm bài.

Thường thì chúng ta sẽ có các cách ghi căn cứ pháp lý trong bài thi theo các cách như sau:

Cách ghi thứ nhất:

Ghi theo quy tắc từ hẹp đến rộng như sau:

Đoạn >> Điểm >> Khoản >> Điều >> Bộ luật/Luật/Nghị định/Thông tư/…

Ví dụ:

– đoạn 2 điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

– đoạn 2 khoản 1 Điều 51 Bộ luật dân sự năm 2015.

Cách ghi thứ hai:

Ghi theo quy tắc từ rộng đến hẹp như sau:

Bộ luật/Luật/Nghị định/Thông tư/… >> Điều >> Khoản >> Điểm >> Đoạn.

Ví dụ:

– Luật Doanh nghiệp năm 2014, Điều 5, khoản 3, đoạn 2.

– Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, Điều 13, khoản 1, điểm a, đoạn 3.

Lưu ý chung:

– Có thể sử dụng dấu “,” giữa các từ Đoạn, Điểm, Khoản, Điều, Bộ luật/Luật/… Ngoài ra, không nên sử dụng bất kỳ dấu cầu nào khác (“;”, “?”, “.”, “!”).

– Không nhất thiết phải ghi căn cứ pháp lý đến đoạn, chỉ cần ghi đến điểm, nếu không có điểm thì ghi đến khoản, nếu không có khoản thì ghi đến Điều là được, ví dụ điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC (theo kinh nghiệm của người viết bài); hoặc tùy tình hình thực tế mà điều chỉnh cho phù hợp.

Ghi chú: Bài viết là chia sẻ kinh nghiệm của một người đã từng trải qua các kỳ thi luật cam go và không liệt nhất. Bài viết chỉ có giá trị tham khảo chứ không có giá trị pháp lý. Bạn nào có cách khác hãy bình luận ở bên dưới để chia sẻ cùng nhau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *