Các hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với Nhãn hiệu?

Khi nhãn hiệu được chủ thể có quyền đăng ký và đáp ửng đầy đủ các điều kiện bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, Cơ quan có thẩm quyền bảo hộ nhãn hiệu, cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu nhãn hiệu. Quyền sở hữu nhãn hiệu là quyền tài sản của chủ sở hữu. Theo đó, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền định đoạt đối với nhãn hiệu, sử dụng hoặc cho phép bên thứ ba sử dụng bằng hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu hoặc chuyển quyền sử dụng đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ.

1. Chuyển nhượng quyền sở hữu đối với nhãn hiệu:

Theo quy định tại Điều 138 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005) thì chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

Theo đó, việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu). Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu phải có đầy đủ nội dung theo Điều 140 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005).

Bên cạnh đó cũng tồn tại một số hạn chế trong việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu căn cứ Điều 139 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005) như sau:

– Chủ sở hữu quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.

– Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

– Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

2. Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu:

Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình theo Khoản 1 Điều 141 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005). Cũng giống như chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu, chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cũng phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng sử dụng nhãn hiệu).

Theo đó, việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu vẫn có một số hạn chế theo quy định tại Điều 142 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005):

– Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

– Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

3. Các dạng hợp đồng sử dụng nhãn hiệu:

Căn cứ Điều 143 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005) thì hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm các dạng sau đây:

– Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng nhãn hiệu, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó nếu được phép của bên được chuyển quyền.

– Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không độc quyền với người khác.

– Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đó theo một hợp đồng khác.

Theo đó, hợp đồng sử dụng nhãn hiệu phải có những nội dung theo quy định tại Điều 144 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005).

4. Hiệu lực của hợp đồng chuyển giao nhãn hiệu:

– Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu chỉ có hiệu lực khi đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp căn cứ vào Khoản 1 Điều 148 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005).

– Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên theo Khoản 2 Điều 148 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ 2005). Tuy nhiên, hợp động sử dụng nhãn hiệu để có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba thì cần phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

Tóm lại, khi xây dựng và bảo hộ thành công nhãn hiệu sẽ giúp chủ sở hữu nhãn hiệu có thêm nhiều lợi ích kinh tế, tạo nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Việc cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển nhượng quyền sở hữu và chuyển quyền sử dụng cho bên thứ ba, giúp chủ sở hữu linh hoạt hơn trong việc khai thác nhãn hiệu gắn với hàng hóa, dịch vụ của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *