Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới
Với tư cách là các trường phái pháp luật, trên thế giới có nhiều hệ thống pháp luật khác nhau trong đó có ba hệ thống cơ bản là luật chung Anh – Mỹ, luật châu Âu lục địa và luật Hồi giáo.
1. Hệ thống luật chung Anh – Mỹ (Common Law)
Đặc điểm cơ bản của hệ thống pháp luật này là sử dụng các án lệ làm nguồn của pháp luật, theo đó bản án của tòa đã tuyên có thể được viện dẫn để xét xử những vụ việc có tình tiết tương tự xảy ra sau đó. Theo nguyên tắc này, thẩm phán vừa là người xét xử vừa là người ban hành pháp luật. Với đặc điểm này nên hệ thống luật chung còn được gọi là hệ thống luật án lệ.
Bên cạnh luật án lệ, hệ thống luật chung còn có đặc điểm khác là sử dụng luật công bình (equity law). Trong trường hợp không có án lệ thì thẩm phán sẽ sáng tạo luật để xét xử. Việc sáng tạo này phải dựa trên lẽ công bằng tự nhiên, phù hợp với lương tâm và đạo đức của con người. Hiện nay, các quốc gia thuộc hệ thống luật án lệ đã ban hành các quy định trong việc kết hợp áp dụng luật chung và luật công bình.
Ưu điểm của hệ thống luật chung là tạo ra sự linh hoạt trong xét xử bởi thẩm phán có thể vừa xét xử vừa ban hành pháp luật. Tuy nhiên, hệ thống này tạo ra sự khó hiểu, phức tạp và người dân khó tiếp cận được các quy định của pháp luật.
Hiện nay, với xu thế toàn cầu hóa, các nước thuộc hệ thống luật án lệ đã và đang thừa nhận sự tồn tại của các văn bản quy phạm pháp luật với tư cách là nguồn của pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
Mối quan hệ giữa án lệ và văn bản quy phạm pháp luật được xử lý theo hướng ưu tiên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trước, chỉ áp dụng án lệ nếu không có luật thành văn.
Hội nhập quốc tế đã làm cho các hệ thống pháp luật không tồn tại biệt lập mà có sự tiếp thu đặc điểm của nhau như phân tích ở trên.
2. Hệ thống luật châu Âu lục địa (Continental Law)
Hệ thống luật châu Âu lục địa có đặc trưng là được xây dựng trên tinh thần tự do kinh doanh và tự do cá nhân, thừa nhận chế độ tư hữu và tự do khế ước.
Hệ thống pháp luật này sử dụng các văn bản quy phạm pháp luật làm nguồn chủ yếu, tức là các quy định pháp luật thường được thể hiện trong các văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Chính vì vậy, so với hệ thống luật án lệ thì hệ thống dân luật có ưu điểm là dễ hiểu, dễ áp dụng do các quy định được thể hiện rõ ràng trong các văn bản.
Tuy nhiên, hệ thống này có hạn chế là việc áp dụng pháp luật không linh hoạt, cứng nhắc do pháp luật thành văn mang tính ổn định tương đối trong khi các quan hệ xã hội thì không ngừng vận động và phát triển.
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa dẫn đến sự giao thoa lẫn nhau giữa các hệ thống pháp luật, nên từ cuối thế kỷ 20, các quốc gia theo hệ thống luật châu Âu lục địa cũng thừa nhận ở mức độ nhất định án lệ và các học thuyết pháp lý với tư cách là nguồn của pháp luật.
3. Hệ thống luật Hồi giáo (Islamic Law)
Hệ thống pháp luật này có đặc điểm là chứa đựng nhiều quy định mang tính đạo đức và tôn giáo mà ít quy định về thương mại và kinh doanh. Hơn nữa, những quy định pháp luật của hệ thống này không thay đổi qua hàng nghìn năm mà không sửa đổi hoặc bổ sung. Điều này không phải vì hệ thống Islam giáo đã quá hoàn thiện mà do giới luật gia thuộc hệ thống pháp luật này chủ trương “đóng cửa” đối với các hệ thống pháp luật khác. Chính vì vậy, hiện nay hệ thống này gặp không ít khó khăn khi xét xử các vụ việc phát sinh trong điều kiện mới.
Nguồn: Tổng hợp