Bộ Tư pháp là cơ quan hành pháp hay tư pháp?
Bộ máy nhà nước hiện nay của nước ta về cơ bản được chia thành hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, hệ thống cơ quan hành pháp và hệ thống cơ quan tư pháp. Trong đó:
– Hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước hiện nay bao gồm:
- Quốc hội: Đây là cơ quan nắm giữ quyền lực nhà nước cao nhất tại Việt Nam (được xem là cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương).
- Hội đồng nhân dân các cấp (bao gồm ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã): Đây là cơ quan nắm giữ quyền lực nhà nước ở địa phương.
– Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước hiện nay bao gồm:
- Chính phủ: Đây là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nhất của Việt Nam. Giúp việc cho Chính phủ có các Bộ và Cơ quan ngang bộ như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng,… Ngoài ra còn có các cơ quan thuộc Chính phủ như Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam,…
- Ủy ban nhân dân các cấp (Cũng như HĐND, UBND cũng được tổ chức ở các cấp tỉnh, huyện và xã): Đây là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
– Hệ thống cơ quan Tư pháp hiện nay bao gồm:
- Viện kiểm sát nhân dân: Là cơ quan tư pháp, nắm giữ quyền công tố trong bộ máy nhà nước Việt Nam, có chức năng kiểm soát các hoạt động tư pháp tại Việt Nam. VKSND được phân thành bốn cấp là Tối cao, Cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện; đối với VKS quân sự thì có VKSQS trung ương, quân khu, khu vực.
- Tòa án nhân dân: Là cơ quan tư pháp, nắm giữ vai trò xét xử (dân sự, hình sự, hành chính) và thực hiện quyền tư pháp tại Việt Nam. Cũng giống như VKSND, TAND cũng được phân thành bốn cấp là Tối cao, Cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện (đối với Tòa án quân sự thì có ở cấp trung ương, cấp quân khu và cấp khu vực).
Như vậy, đến đây có thể khẳng định Bộ Tư pháp mặc dù mang tên Tư pháp nhưng không phải là cơ quan Tư pháp, mà Bộ Tư pháp là cơ quan hành pháp.