Bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp tại Liên Minh Châu Âu
Ngày nay với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế thì các cá nhân, doanh nghiệp rất chú trọng bảo hộ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (KDCN) tại Việt Nam và tại các nước, đặc biệt là Liên Minh Châu Âu. Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ khái quát về bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp tại Liên Minh Châu Âu.
1/ Cách đăng ký KDCN tại các quốc gia Châu Âu
Để đăng ký KDCN tại Liên Minh Châu Âu, doanh nghiệp có thể thực hiện một trong các cách sau:
– Cách thứ nhất, nộp đơn đăng ký riêng lẻ tại từng quốc gia qua Cơ quan Sở hữu trí tuệ của quốc gia đó.
– Cách thứ hai, nộp đơn đăng ký KDCN tại Châu Âu qua Cơ quan Sở hữu trí tuệ liên minh Châu Âu – European Union Intellectual Property Office (“EUIPO”). Thay vì nộp đơn riêng lẻ tại từng quốc gia Châu Âu, doanh nghiệp có thể nộp một đơn đăng ký duy nhất lên EUIPO, liệt kê cụ thể các quốc gia muốn đăng ký bảo hộ KDCN.
2/ Ưu điểm khi nộp đơn đăng ký KDCN tại Châu Âu qua EUIPO
– Về quy trình:
Việc nộp đơn đăng ký KDCN thông qua hệ thống đăng ký KDCN Châu Âu giúp doanh nghiệp đơn giản hóa thủ tục và tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc. Hệ thống KDCN Châu Âu không thẩm định nội dung (xem xét khả năng đăng ký bằng cách đánh giá tính mới/tính sáng tạo/khả năng áp dụng công nghiệp…) mà chỉ thẩm định hình thức đơn.
– Về phạm vi và thời hạn bảo hộ
Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ độc quyền KDCN sẽ có các quyền sử dụng, bán, phân phối và li-xăng KDCN trong phạm vi lãnh thổ và thời hạn được bảo hộ. Đồng thời, chủ sở hữu được quyền chống lại mọi hành vi sao chép KDCN mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu đó.
Văn bằng độc quyền bảo hộ KDCN đăng ký qua EUIPO có hiệu lực trong vòng 25 (hai mươi lăm) năm, sau mỗi 05 (năm) năm, chủ sở hữu KDCN phải gia hạn bằng cách đóng phí duy trì văn bằng tại Văn phòng EUIPO. Thời hạn bảo hộ KDCN tại Châu Âu là khá dài so với các quốc gia khác như Việt Nam (bảo hộ trong vòng 15 năm), Mỹ (bảo hộ trong vòng 14 năm)…