4 điều sinh viên luật cần lưu ý khi học ngành luật!

1. Cháy hết mình bằng tình yêu với luật

Có lẽ các tân sinh viên luật đã nghe nhiều người nói với các bạn rằng học luật cần phải có sự đam mê, và mình cũng chắc chắn là những người có tinh thần như thế sẽ học nhanh hơn và ít “khổ” hơn những người khác. Thế nên nếu bạn đang ở trong tình trạng “Em học luật vì gia đình em khuyên thế”, “Em học luật vì nhà có người làm trong ngành luật”, “Em học luật vì bố mẹ em thích em học luật”, “Em học luật vì em không đủ điểm vào trường khác”… thì có lẽ bạn nên tìm ra “ngọn lửa” đam mê với ngành học, bởi vì con đường phía trước của các bạn rất gian nan đấy! Tuy nhiên, khó có thể yêu cầu một bạn học sinh vừa tốt nghiệp cấp ba có thể thật sự hiểu và hứng thú về ngành luật, công việc của một luật sư. Bởi vì những người đi trước thậm chí đã làm trong ngành luật hơn 2, 3 năm nhưng đôi lúc vẫn phải thốt lên rằng “học luật sao mà phức tạp, mệt mỏi đến thế”. Và đa phần những gì các bạn tân sinh viên biết là hình ảnh bóng bẩy của các luật sư hay trong các bộ phim tình cảm, trinh thám. Dĩ nhiên đó chỉ là bề ngoài của ngành luật và là những gì các bạn hướng đến để trở thành và con đường để đạt được nó mình xin nhắc lại một lần nữa là  rất nhiều thử thách đấy nhé!

Vì vậy nên đam mê là một điều cần thiết và sẽ là rất lợi thế đối với người học luật, nhưng nếu như bạn chưa có được sự đam mê đó thì theo mình đừng quá vội bi quan vì việc am hiểu pháp luật rất có ích cho dù sau này các bạn lựa chọn hướng đi nào chăng nữa.

2. Thành công rồi tôi sẽ thuê phiên dịch

Thế hệ của chúng ta thì ngoại ngữ đã không còn là một lợi thế nữa mà nó đã trở thành một điều bắt buộc. Bởi vì, nhân lực trẻ được đào tạo liên tục khiến cho việc cạnh tranh việc làm trong ngành luật đang trở nên ngày càng gay gắt, và đặc biệt nguồn lực mới này đều được hoàn thiện kĩ năng ngoại ngữ.

Còn nếu so sánh ngành luật với các ngành nghề khác thì các bạn phải hiểu rằng thời gian hành nghề có sự chênh lệch rất lớn. Ví dụ như trong lĩnh vực thể thao, cầu thủ bóng đá trung bình chỉ hoạt động đến 35 tuổi, trong khi tuổi nghề trong ngành luật thì tương đối dài, nhiều luật sư hơn 70 tuổi vẫn còn có thể xông xáo tại tòa. Vì thế nên bạn chắc chắn sẽ bị thiệt thòi khi so sánh với các bậc đàn anh đàn chị trong nghề, bởi vì họ có đầy đủ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn,  mối quan hệ; tuy vậy thường thì họ lại không có ngoại ngữ, đặc biệt hơn là đó lại là một nhu cầu của thời đại hiện nay.

Vì vậy ngay từ năm nhất nên tận dụng thời gian khi chưa có quá nhiều áp lực từ các môn chuyên ngành, hãy tự trang bị cho mình kĩ năng ngoại ngữ “xịn sò” để tạo lợi thế khi hành nghề.

3. Học một ngành luật thôi là đủ xài rồi

Việc phân chia thành các ngành luật như luật thương mại, luật dân sự, Luật hình sự …. chỉ mang tính chất tương đối. Các ngành luật hay các môn học luật đều có những mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thông thường một người học luật cho dù học chuyên ngành nào cũng cần phải có một hệ thống kiến thức pháp luật nền tảng về tất cả các lĩnh vực. Rồi từ đó, bạn mới có thể nghiên cứu chuyên sâu vào một hoặc một vài lĩnh vực cụ thể. Hơn nữa, khi giải quyết một vấn đề phát sinh trên thực tế thì đa số các trường hợp người ta đều phải liên kết kiến thức thuộc các mảng, lĩnh vực khác nhau. Ví dụ để xử lý vụ một tranh chấp về thừa kế, bên cạnh những quy định pháp luật về dân sự, còn là những quy định về pháp luật hành chính trong các thủ tục khai nhận di sản, và thậm chí nếu vụ việc đó lại có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hay là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc sử dụng kiến thức của nhiều mảng luật khác nhau là điều cần thiết. Do đó, nếu bạn nghĩ rằng học luật kinh tế hay luật thương mại thì bạn không cần quan tâm đến các môn luật hình sự, luật dân sự đó sẽ là một sai lầm rất lớn đấy.

4. Nên sớm tìm kiếm cơ hội thực tập trong môi trường làm việc thực tế

Ở một số quốc gia, nghề luật được xem là dạng nghề dạy nghề, vậy nên kỹ năng phân tích vấn đề, xử lý tình huống là vô cùng quan trọng, và nó được bồi dưỡng một cách tốt nhất qua môi trường và những công việc thực tế. Do đó, ngay từ khi bước chân vào cổng trường đại học, các bạn nên chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đi thực tập sớm nhất có thể. Liên quan đến vấn đề này, các bạn cần lưu ý:

– Việc thực tập như nói ở trên chỉ nên bao gồm thực tập tại các công ty luật, các phòng pháp chế, tòa án hay viện kiểm sát. Việc làm tại các quán cafe, bán thời gian cũng có những lợi ích nhất định nhưng không được đề cập ở tinh thần của bài viết này.

– Khi thực tập nên có thái độ cầu thị. Những công việc như xử lý văn bản, photo, sắp xếp tài liệu đôi khi sẽ khiến các bạn chán nản. Nhưng bên cạnh đó chúng ta có thể học hỏi cách các luật sư xử lý các tình huống, quản lý công việc, tranh luận trên thực tế. Việc giao tiếp, va chạm hàng ngày cũng là cơ hội để khắc phục tâm lý nhút nhát thường thấy ở các bạn sinh viên.

Chúc các bạn thành công trên con đường học tập của mình nhé!

Nội dung: Quang Minh

Nguồn: Tuyển sinh Trường Đại học Luật TP.HCM

One thought on “4 điều sinh viên luật cần lưu ý khi học ngành luật!

  • 25/02/2021 at 7:26 chiều
    Permalink

    VÀI DÒNG GIỚI THIỆU VỀ NGÀNH LUẬT KINH TẾ -CHUYÊN NGÀNH LUẬT KINH DOANH CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP HCM
    Vài nét về UEH và Khoa Luật UEH.
    Đến nay, có lẽ ít ai biết được UEH hiện nay thực ra được thành lập từ việc đổi tên Luật Khoa Đại học đường thành Đại học Kinh tế TPHCM (quyết định 426-TTg ngày 27/10/1976 https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/quyet-dinh-426-ttg-van-de-cap-bach-trong-mang-luoi-cac-truong-dai-hoc-54006.ápx). Nay cơ sở 59C Nguyễn Đình Chiểu chính là cơ sở cũ của Luật Khoa Đại học đường danh tiếng bậc nhất trong ba cơ sở đào tạo Luật của Sài Gòn trước năm 1975. Sau năm 1975, dù không tiếp tục đào tạo Luật nhưng một số giảng sư và nhân viên cũ của Luật Khoa Đại học đường vẫn tiếp tục được lưu dụng và công tác tại đây. Một số người trong đó sau này trở thành những giảng viên nòng cốt của Khoa Luật UEH khi được tái lập.
    Được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân Luật vào năm 2001, UEH là cơ sở đào Luật thứ 2 ở TPHCM nay vẫn còn tiếp tục phát triển. Khoa Luật đã chuyển mạnh từ hướng đào tạo Luật cho nhà kinh doanh sang đào Chuyên gia pháp lý cho doanh nghiệp sau khi được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân Luật. Với kinh nghiệm 20 năm đào tạo, đội ngũ giảng viên Khoa Luật UEH có trình độ chuyên môn và đầy đủ bản lĩnh, tự tin không thua kém bất kỳ một cơ sở đào tạo Luật nào trong cả nước!
    ***
    Ngành Luật kinh tế, chuyên ngành Luật kinh doanh tại UEH được thiết kế hướng tới mục tiêu cung cấp nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp ở hai vị trí công việc: (1) Chuyên viên pháp chế tại các doanh nghiệp -luật sư nội bộ, hoặc (2) luật sư tại các công ty Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp – Luật sư bên ngoài!
    Ngoài ra sinh viên cũng có những kiến thức pháp lý căn bản để có thể tự chuyển hướng và làm việc tại các cơ quan Nhà nước, các cơ quan tư pháp…
    ——
    Nội dung chương trình gồm 4 mảng kiến thức lớn:
    (1) kiến thức nền tảng về kinh tế, chính trị, xã hội , triết học và luật (thông qua các môn học kinh tế học, triết học, nhập môn luật học, các học thuyết pháp lý, toán cho kinh tế, logic học pháp lý…); Kiến thức này giúp bạn “hiểu đời” trước khi hiểu Luật.
    (2) Khối kiến thức pháp lý nền tảng trong nước và quốc tế bao gồm cả luật nội dung và luật tố tụng (như các môn học: Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật dân sự (tài sản, hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng), Luật Lao động, Luật đất đai, luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng dân sự, Luật quốc tế công pháp, Luật quốc tế tư pháp, luật môi trường…). Kiến thức này giúp bạn hiểu luật một cách hệ thống và toàn diện.
    (3) Nhóm kiến thức chuyên ngành Luật kinh doanh (gồm các môn Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật đầu tư, Luật cạnh tranh, Luật kinh doanh các dịch vụ tài chính, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Thương mại quốc tế – gồm cả luật kinh tế quốc tế lẫn kinh doanh quốc tế…). Kiến thức này giúp bạn hiểu chuyên sâu về luật cho kinh doanh
    (4) Khối kiến thức bổ trợ và liên ngành (bao gồm các môn tiếng Anh chuyên ngành Luật, Kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng hành nghề Luật sư, Kỹ năng soạn thảo hợp đồng, kế toán, quản trị doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp…). Kiến thức này giúp bạn vận dụng tốt được luật trên thực tiễn.
    Ngoài kiến thức, năm cuối cùng sinh viên còn có cơ hội tham gia học kỳ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp lớn, các công ty Luật uy tín tại TPHCM là những đối tác của UEH!
    Với sinh viên hệ Chất lượng cao bạn sẽ có 20% các môn học trong chuyên ngành (chủ yếu là các môn chuyên ngành và quốc tế: Luật doanh nghiệp, Luật thương mại, luật cạnh tranh, luật lao động, luật thương mại quốc tế, công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế…) sẽ học bằng tiếng Anh và 100% sinh viên sẽ được tham gia chương trình office tour từ năm thứ 2 để trãi nghiệm nghề nghiệp, được huấn luyện kỹ năng tại UEH từ năm thứ 3 và được tham gia học kỳ doanh nghiệp từ học kỳ 1 năm thứ tư!
    —-
    Hơn nữa, học Luật tại một trường chuyên về kinh tế, bạn sẽ được
    (1) Tiếp xúc với dân kinh tế hằng ngày, có nguồn thư viện phong phú sách kinh tế… giúp bạn có thêm điều kiện hoàn thiện kiến thức kinh tế để hiểu doanh nghiệp, tư vấn tốt nhất cho doanh nghiệp sau này.
    (2) Bạn cũng xây dựng mạng lưới khách hàng tiềm năng là những nhà quản trị tương lai với những người bạn học khác ngành ở cùng trường.
    ___
    Như vậy là bạn đủ hiểu học Luật ở Trường Đại học Kinh tế TPHCM có lợi như thế nào rồi hé. Nếu thích nghề Luật và làm việc trong môi trường kinh doanh năng động thì còn chần chừ gì nữa mà không lo đăng ký đi chớ hết slot à.
    P/s: Tất nhiên chữ luật sư trong bài trên đây là tự nói với nhau thôi nghen. Còn muốn là luật sư đúng nghĩa thì phải làm thêm vài chuyện (mà UEH cũng muốn mần luôn nhưng có nơi hổng muốn cho mần!) như phải qua học viên tư pháp học lớp luật sư rồi đi tập sự luật sư các thứ nữa nhưng mấy cái đó tính sau đi!

    Reply

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *