08 loại giấy tờ cần chuẩn bị khi đi xin việc
Khi đi ứng tuyển vào một vị trí việc làm tại một công ty, ứng viên cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ ứng tuyển (thực tế thường được gọi với tên là hồ sơ xin việc – tuy nhiên, quan hệ lao động là mối quan hệ hợp tác dựa trên tinh thần tự nguyện của các bên, bao gồm giữa công ty và người lao động, chứ không phải là mối quan hệ xin cho, nên dùng từ ‘xin việc’ ở đây mình thấy không hợp lý) theo yêu cầu.
Thường thì khi đăng tin tuyển dụng, các công ty sẽ có bản mô tả cơ bản công việc, vị trí việc làm cần tuyển dụng, yêu cầu đối với ứng viên, đồng thời yêu cầu ứng viên chuẩn bị một bộ hồ sơ ứng tuyển để nộp cho bộ phận nhân sự của công ty (nộp qua môi trường internet, hoặc nộp trực tiếp tại công ty hoặc nộp qua đường bưu điện tùy công ty) để công ty xem xét hồ sơ và gọi ứng viên đi phỏng vấn nếu đáp ứng yêu cầu.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là một bộ hồ sơ ứng tuyển sẽ bao gồm các loại giấy tờ nào? Nếu công ty không có yêu cầu về hồ sơ ứng tuyển thì phải làm như thế nào?
Sau đây, mình sẽ giải đáp từng vấn đề trên để mọi người tiện theo dõi:
1. Những loại giấy tờ cần chuẩn bị trong hồ sơ ứng tuyển
(1) CV:
– Bây giờ hầu như các công ty đều yêu cầu ứng viên phải nộp CV của mình để họ xem có phù hợp với vị trí được tuyển dụng hay không.
– Lưu ý, trình bày CV chỉnh chu nhưng không quá cầu kỳ, gói gọn trong một trang A4 là tốt nhất.
(2) Đơn ứng tuyển (hay mọi người thường gọi là đơn xin việc, mà lý do vì sao mình sử dụng “Đơn ứng tuyển” thì các bạn có thể xem lại phần đầu bài viết):
– Nếu đơn vị tuyển dụng có yêu cầu về mẫu đơn ứng tuyển riêng, thì ứng viên sử dụng mẫu đơn ứng tuyển của đơn vị tuyển dụng và làm theo hướng dẫn của họ.
– Nếu đơn vị tuyển dụng không có yêu cầu riêng, thì ứng viên có thể lên trên mạng và tìm mẫu đơn ứng tuyển phù hợp.
– Nếu đơn vị tuyển dụng có yêu cầu công chứng, chứng thực đơn ứng tuyển thì thực hiện theo yêu cầu đó.
+ Nếu công chứng thì các bạn đến Văn phòng công chứng thuận tiện nhất để công chứng, nhanh nhưng chi phí hơi đắt.
+ Nếu chứng thực thì các bạn đến Ủy ban nhân dân xã, phương, thị trấn thuận tiện nhất để chứng thực, chậm (khoảng 30 phút) nhưng giá cả sẽ rẻ hơn so với công chứng rất nhiều.
(3) Sơ yếu lý lịch của ứng viên:
– Mẫu sơ yếu lý lịch thì ứng viên có thể tìm thấy ở trên mạng, rất nhiều.
– Nếu đơn vị tuyển dụng có yêu cầu công chứng, chứng thực sơ yếu lý lịch thì thực hiện công chứng, chứng thực như trường hợp Đơn ứng tuyển ở trên.
(4) Bản sao văn bằng chuyên môn, chứng chỉ (các kiểu con đà điểu):
– Nếu vị trí công việc yêu cầu bạn phải có trình độ đại học thì bạn phải có bằng tốt nghiệp đại học; còn nếu yêu cầu trình độ cao đẳng thì ít nhất bạn phải có bằng cao đẳng; yêu cầu trình độ trung cấp thì ít nhất bạn phải có bằng trung cấp;…
– Nếu vị trí yêu cầu bạn phải có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học thì bạn phải có chứng chỉ tương ứng (bản sao thôi nha).
– Nếu đơn vị tuyển dụng có yêu cầu sao y, công chứng, chứng thực thì thực hiện theo yêu cầu.
– Lưu ý: Tuyệt đối không giao bản chính cho công ty, có thể chỉ cho công ty đối chiếu bản sao, bản phô tô rồi lấy lại cất ngay, tuyệt đối không cho sao chụp các kiểu nhé để tránh bị lừa hoặc rắc rối sau này.
(5) Giấy khám sức khỏe (nếu có – vì đi phỏng vấn thì cũng không cần, nếu được tuyển dụng thì bổ sung sau cũng được):
Để có giấy này thì bạn cứ đến các bệnh viện thuận tiện nhất, liên hệ với bộ phận giải quyết yêu cầu và bảo mình cần khám sức khỏe để đi làm để được hướng dẫn khám sức khỏe và cấp Giấy khám sức khỏe theo quy định.
(6) Bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân; giấy khai sinh:
– Nếu có yêu cầu công chứng, chứng thực thì thực hiện công chứng, chứng thực theo yêu cầu;
– Cũng như trường hợp văn bằng, chứng chỉ ở trên, ứng viên tuyệt đối không giao bản chính chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy khai sinh cho đơn vị tuyển dụng (có thể cho xem để đối chiếu) và cũng tuyệt đối không cho sao chụp gì cả nhé.
(7) Sổ hộ khẩu/Sổ tạm trú (có thể bổ sung sau khi được tuyển dụng):
– Bản sao có công chứng, chứng thực nếu có yêu cầu.
– Sổ hộ khẩu đi phô tô, công chứng, chứng thực xong thì đem về nhà cất, không cho ai xem cả.
(8) Hình thẻ, hình cận, hình toàn thân (nếu có yêu cầu).
2. Nếu công ty không có yêu cầu về hồ sơ ứng tuyển thì phải làm như thế nào?
– Nếu công ty không có yêu cầu cụ thể về hồ sơ ứng tuyển trong thông báo tuyển dụng, thì ứng viên có thể liên hệ với đơn vị tuyển dụng thông qua một trong các kênh mà nhà tuyển dụng có cung cấp trong thông báo tuyển dụng; hoặc cũng có thể lên trang web của đơn vị tuyển dụng để xem thông tin liên hệ vì hầu như hiện nay, đơn vị nào cũng có một trang website riêng để quảng bá thương hiệu của mình.
– Hoặc có thể chuẩn bị một bộ hồ sơ ứng tuyển bao gồm các giấy tờ đã được đề cập ở trên; vì không có thông tin yêu cầu của nhà tuyển dụng, nên các giấy tờ cứ phải đem đi công chứng, chứng thực trước cho chắc.
Trên đây là ý kiến của mình về “Những loại giấy tờ cần chuẩn bị khi đi ứng tuyển”. Nếu bạn có thắc mắc hoặc có ý kiến khác, hãy để lại bình luận bên dưới để được hỗ trợ hoặc trao đổi với mình nhé!