05 điều luật sinh viên cần biết để tránh bị lừa khi đi làm thêm
Làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống là nhu cầu tất yếu và chính đáng của các bạn sinh viên.
Tuy nhiên trước khi tìm kiếm một công việc làm thêm, các bạn sinh viên cần chú ý những điều sau để tránh bị lừa đảo và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình khi đi làm:
1. Không phải đóng bất kỳ khoản tiền nào cho người sử dụng lao động (chủ quán, chủ tiệm, công ty,…)
Pháp luật nghiêm cấm người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Do đó, trường hợp chủ quán, chủ tiệm, công ty,… yêu cầu người lao động đặt cọc tiền để được làm việc là vi phạm pháp luật.
Ý kiến cá nhân: Nếu gặp trường hợp này thì mình nghĩ các bạn sinh viên nên cân nhắc tìm chỗ làm khác phù hợp hơn.
2. Không được đưa bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ cho người sử dụng lao động giữ
Pháp luật nghiêm cấm người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
Do đó, trường hợp chủ quán, chủ tiệm, công ty,… yêu cầu người lao động đưa bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ cho họ giữ là vi phạm pháp luật.
Ý kiến cá nhân: Nếu gặp trường hợp này thì mình nghĩ các bạn sinh viên nên cân nhắc tìm chỗ làm khác phù hợp hơn; vì thời buổi bây giờ chỉ cần để lộ chứng minh nhân dân, căn cước công dân,… cho người khác là bao rắc rối có thể xảy ra như tín dụng đen, vay tín chấp,…
3. Thời gian thử việc, lương thử việc
Nếu chủ quán, chủ tiệm, công ty,… yêu cầu phải thử việc, thì các bạn sinh viên cần chú ý những điều sau:
– Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
+ Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
+ Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
+ Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác (những công việc làm thêm phổ biến với các bạn sinh viên như phục vụ, bưng bê, phụ bếp).
– Tiền lương thử việc ít nhất bằng 85% mức lương chính thức.
Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.
4. Chủ quán, chủ tiệm, công ty,… phạt tiền, cắt lương
Theo quy định tại Điều 125 BLLĐ năm 2012 thì có các hình thức xử lý kỷ luật đối với người lao động sau đây: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương quá 06 tháng; Cách chức; Sa thải.
Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 128 BLLĐ năm 2012 thì người sử dụng lao động không được dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
Do đó, dù các bạn sinh viên đi làm thêm có vi phạm lỗi gì thì chủ quán, chủ tiệm, công ty,… cũng không được phạt tiền, cắt lương (nếu làm hư hại, thiệt hại thì thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo quy định chứ không được phạt tiền, cắt lương).
5. Trường hợp chỉ làm part time chứ không làm trọn thời gian
Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Ngoài ra, các bạn nên lưu ý một điều rằng “không có công việc nào mà VIỆC NHẸ LƯƠNG CAO cả nhé”.