05 điều luật rất quan trọng nhưng sinh viên luật thường bỏ qua

1. Phạm vi điều chỉnh

– Nội dung này sẽ cho bạn biết văn bản mà bạn đang đọc sẽ điều chỉnh, chi phối các mối quan hệ gì, giải quyết các vấn đề gì.

– Ví dụ, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự năm 2015:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).”

2. Đối tượng điều chỉnh/Đối tượng áp dụng

– Nội dung này sẽ cho bạn biết đối tượng nào sẽ phải áp dụng văn bản này; đối tượng nào sẽ phải chịu sự điều chỉnh, chi phối của văn bản này. Ngoài ra, trong một số trường hợp, điều khoản này sẽ cho bạn biết các đối tượng nào sẽ không chịu sự điều chỉnh của văn bản bạn đang đọc.

– Ví dụ, đối tượng áp dụng của Luật Đất đai năm 2013:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.

2. Người sử dụng đất.

3. Các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.”

3. Giải thích từ ngữ

– Nội dung này sẽ giúp bạn hiểu được nghĩa của các thuật ngữ được sử dụng trong văn bản.

– Ví dụ, điều 3 Bộ luật lao động năm 2012 về giải thích từ ngữ:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

2. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

3. Tập thể lao động là tập hợp có tổ chức của người lao động cùng làm việc cho một người sử dụng lao động hoặc trong một bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của người sử dụng lao động…”

4. Điều khoản hiệu lực/Hiệu lực thi hành

– Điều này sẽ cho bạn biết văn bản sẽ được áp dụng từ ngày/tháng/năm nào; có hiệu lực áp dụng trong khoảng thời gian từ ngày/tháng/năm nào đến ngày/tháng/năm nào (đối với một số văn bản đặc biệt); trường hợp đặc biết còn có quy định về thời điểm bắt đầu áp dụng đối với một số nội dung trong văn bản.

– Ví dụ, điều khoản hiệu lực thi hành tại Luật Đất đai năm 2013:

“Điều 211. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014.

Luật đất đai số 13/2003/QH11 và Nghị quyết số 49/2013/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội về kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

2. Bãi bỏ Điều 57 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11; Điều 2 của Luật số 34/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai; Điều 4 của Luật số 38/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Điều 264 của Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12; các quy định về trưng dụng đất trong Luật trưng mua, trưng dụng tài sản số 15/2008/QH12.”

5. Điều khoản chuyển tiếp/Quy định chuyển tiếp/Xử lý chuyển tiếp

– Nội dung này sẽ cho bạn biết một số vướng mắc trong quá trình thi hành sẽ phải giải quyết ra sao. Cụ thể là các phương hướng xử lý, giải quyết đối với các quan hệ xảy ra trước ngày văn bản đó có hiệu lực áp dụng mà đến sau ngày văn bản có hiệu lực mới giải quyết, hoặc là từ khi văn bản được ban hành đến khi có hiệu lực hoặc sau đó đối tượng cần phải làm gì… Lưu ý là không phải văn bản nào cũng có điều khoản này nhé các bạn.

– Ví dụ, điều khoản chuyển tiếp của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014:

“Điều 80. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động mà chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì phải bổ sung đủ các điều kiện trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

2. Các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư, đã được giao đất, cho thuê đất, đã có văn bản cho phép chuyển nhượng dự án hoặc đã ký hợp đồng chuyển nhượng, bán, cho thuê, cho thuê mua trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì không phải làm lại thủ tục theo quy định của Luật này.

3. Chứng chỉ môi giới bất động sản đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị pháp lý trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; hết thời hạn trên, người được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật này.

4. Chứng chỉ định giá bất động sản đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị pháp lý trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; hết thời hạn trên, người được cấp chứng chỉ định giá bất động sản phải có đủ điều kiện về thẩm định giá viên theo quy định của pháp luật về giá.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *